Loạt sự kiện được hãng bảo hiểm phối hợp Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức vào giữa và cuối năm 2024. Đối tượng khám bệnh là người cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, quân nhân, bộ đội xuất ngũ, thanh niên, người lao động phổ thông tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa và Nghệ An.
Tại các sự kiện, người dân được thực hiện nhiều nội dung khám như: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang phổi, đo điện tim, đo loãng xương và tư vấn, phát thuốc miễn phí. Xuyên suốt chuỗi chương trình có sự tham gia của hơn 500 y bác sĩ, cùng sự hỗ trợ của hàng trăm tình nguyện viên Manulife.
Song song, chương trình cũng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư dạ dày. Do đó, tại chuỗi sự kiện, người dân được xét nghiệm vi khuẩn HP qua đường máu, thực hiện tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ.
Theo số liệu thống kê của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trong hơn 12.000 người dân tham gia khám bệnh tại "Sống khỏe mỗi ngày", có 2.684 trường hợp dương tính với vi khuẩn HP qua test nhanh. Sau chương trình, người bệnh được xác nhận lại bằng phương pháp test hơi thở tại các cơ sở y tế.
Đơn vị này cho biết, phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn HP được phát hiện đều không có triệu chứng. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm khuẩn HP trên toàn quốc ước tính cao hơn con số này, đặc biệt tại các khu vực có điều kiện y tế còn hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Y tế, có đến 70% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP và 80% số ca ung thư dạ dày có liên quan tới loại vi khuẩn này. Hiện tình trạng HP kháng lại kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức cao, gây khó khăn trong việc điều trị hiệu quả. Do đó, việc phát hiện vi khuẩn HP kịp thời giúp người dân sớm có phương án điều trị và thay đổi thói quen, lối sống.
Ngoài ra, chuỗi sự kiện giúp nhiều người phát hiện tình trạng bệnh lý, đặc biệt nhóm bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường... Cụ thể, 3.365 người được phát hiện rối loạn mỡ máu, 2.987 người đo huyết áp bất thường được kiểm tra lại với điện tâm đồ, 1.669 người khám có dấu hiệu rối loạn đường huyết lúc đói và 788 người rối loạn acid uric.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết trước thực trạng bệnh tật gia tăng và trẻ hóa, việc tổ chức các chương trình sức khỏe cộng đồng là hoạt động thiết thực. Các hoạt động này giúp người dân phát hiện sớm bệnh lý, tạo điều kiện để những hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng.
"Chương trình đã cho thấy tầm nhìn dài hạn của những tổ chức như Manulife, trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng", ông Tú đánh giá.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam chia sẻ, song song với hoạt động kinh doanh, đơn vị dành ưu tiên nghiên cứu, triển khai các chương trình cộng đồng phù hợp theo từng thời điểm. Hiện công ty ưu tiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe. "Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sẽ giúp người dân có cuộc sống chất lượng hơn, giảm nguy cơ bệnh tật và các chi phí y tế", bà Tina nói.
Chuỗi ngày hội "Sống khỏe mỗi ngày" được Manulife tổ chức lần đầu vào tháng 7/2024 dành cho 2.000 người tại TP HCM và Hà Nội, sau đó tiếp tục được mở rộng với quy mô lên đến 10.000 người tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Hà Nội vào tháng 12/2024.
Theo hãng bảo hiểm, đây là phần xuyên suốt của chương trình cộng đồng "Sống sạch - sành - xanh", mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe và tác hại của vi khuẩn HP. Đồng thời, chương trình khuyến khích lan tỏa lối sống khỏe về thể chất tinh thần lẫn tài chính.
Ngoài chuỗi hoạt động "Sống khỏe mỗi ngày", chương trình còn có các hoạt động: thử thách "khoe" khỏe trên mạng xã hội; nâng cao ý thức, thói quen về chủ đề sống khỏe; xây dựng cộng đồng trực tuyến nhằm kết nối, chia sẻ các bí quyết sống khỏe...