Tài chính

Mỹ và phương Tây đang “buông tay” Ukraine?

Chiến thắng của ông Donald Trump đã chính thức được xác nhận bởi Quốc hội vào ngày 6/1 (theo giờ địa phương), mở đường cho ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Bên cạnh đó, việc đảng Cộng hòa nắm đa số ở Thượng viện và Hạ viện cũng giúp Tổng thống đắc cử có thêm thuận lợi khi thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Suốt thời gian tranh cử và sau khi đánh bại đối thủ Dân chủ Kamala Harris, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine ngay sau khi nhậm chức. Lời hứa của ông chủ Nhà Trắng tiếp theo đang làm dấy lên mối lo ngại lớn từ phía truyền thông cũng như giới chức các nước, bởi cho đến thời điểm này, chưa có chi tiết rõ ràng nào về kế hoạch hòa bình này được công bố.

Mỹ và phương Tây đang “buông tay” Ukraine?- Ảnh 1.

Ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, lời hứa này cũng mang lại hy vọng cho các bên tham chiến. Tổng thống Putin nhiều lần bày tỏ thiện chí đàm phán, dù một số điều khoản được Điện Kremlin đưa ra đang gây tranh cãi, ví dụ như việc tổ chức đàm phán ở Slovakia - một quốc gia EU có quan hệ khăng khít với Nga do phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Moscow. Trong khi đó, thời gian gần đây, Tổng thống Zelensky cũng đặt niềm tin vào một giải pháp ngoại giao nhằm buộc Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, thay vì các biện pháp quân sự như trước đó.

Rõ ràng, Ukraine đang đặt niềm tin vào sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ và phương Tây, dù đến thời điểm này, có những dấu hiệu cho thấy niềm tin của Kiev đã lạc hướng.

Ảnh hưởng của Mỹ

Thời gian chỉ còn tính bằng ngày cho đến thời điểm ông Trump chính thức nắm quyền ở Nhà Trắng và tạo nên ảnh hưởng trực tiếp đến NATO.

Yêu cầu NATO tăng chi tiêu quốc phòng đến từ ông chủ Nhà Trắng vốn không còn lạ lẫm, bởi cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra lời kêu gọi tương tự khi còn tại nhiệm. Trước bối cảnh ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng, Tổng thư ký NATO Mark Rutte mới đây đã có bài phát biểu kêu gọi các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng, trước hết là nhằm củng cố năng lực quân sự và tránh nguy cơ phải bước vào một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Trên thực tế, cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. NATO hiện có 31 thành viên và dự kiến trong năm nay, 23 nước thành viên sẽ đạt được mục tiêu này. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1990, liên minh này chi tới 2% GDP cho quốc phòng. Tám thành viên không đạt được mục tiêu này, bao gồm Italia, Tây Ban Nha và Canada, cũng được cho là sẽ “mạnh tay” hơn trong năm tới.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia gần Nga nhất có xu hướng đầu tư cho quốc phòng nhiều hơn. Estonia dành tới 3,43% GDP cho quốc phòng, trong khi Ba Lan cũng tăng từ mốc 3,9% GDP trong năm trước lên tới 4,12% GDP trong năm nay.

Mỹ trong năm nay lại đầu tư ít hơn cho quốc phòng so với năm ngoái, ở mức 3,38% GDP; tuy nhiên, số tiền vẫn rất lớn nếu xét đến quy mô tổng sản lượng quốc nội của nước này. Chỉ riêng không năm 2023, Mỹ đã phê duyệt khoảng 913 tỷ USD cho các hoạt động an ninh – một cột mốc mà đến nay, chưa quốc gia NATO nào đạt được.

Tiềm lực tài chính lớn mạnh cũng tạo nên vị thế vững chắc của Mỹ trong khối liên minh quân sự này, khiến mọi quyết định của Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng lớn đến các quyết sách chung của châu Âu, đặc biệt là về cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Trump từng tuyên bố xung đột Nga-Ukraine “không phải cuộc chiến của nước Mỹ”, bởi một cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ có thể làm chệch hướng nhiệm kỳ tổng thống của ông trong 4 năm tới. Trước đó, ông cũng cảnh báo rằng Ukraine có thể nhận được ít viện trợ hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng các đồng minh phương Tây của Ukraine, giống như Mỹ, sẽ rút dần viện trợ cho nước này.

Mỹ và phương Tây đang “buông tay” Ukraine?

Trong những tuần gần đây, các quan chức Nga đã thảo luận về nhu cầu phải vẽ lại không chỉ biên giới của Ukraine với Nga mà còn cả biên giới của các quốc gia Đông Âu.

Đường biên giới đầu tiên là kết quả của thỏa thuận tại Versailles năm 1919 sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó là sự phân chia khu vực giữa cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và cựu Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin tại hội nghị Yalta vào năm 1945. Nhà lãnh đạo Nga Putin đã đưa ra điều kiện đàm phán với Ukraine, yêu cầu Kiev công nhận bốn vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như bán đảo Crimea. Các cuộc thảo luận về việc vẽ lại các đường biên giới vẫn đang bế tắc do động thái nhượng bộ lãnh thổ nhằm đổi lấy một vị trí chính thức trong NATO của Kiev vẫn chưa được thông qua.

Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Mỹ, các đồng minh châu Âu dường như cũng đang thay đổi thái độ với Kiev. Cho đến nay, Đức – nhà viện trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine chỉ sau Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường không gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ở Anh, những rắc rối nội bộ trong chính phủ nước này có thể kéo chậm lại dòng chảy viện trợ dành cho Ukraine, đặc biệt sau tuyên bố phá sản của nước này hồi tháng 7 năm ngoái.

Mỹ và phương Tây đang “buông tay” Ukraine?- Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/1 khẳng định Ukraine cần phải có lập trường "thực tế" về các vấn đề lãnh thổ trước bối cảnh nhiều bên đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình. Đây là lần đầu tiên ông Macron ám chỉ rằng Kiev nên cân nhắc nhượng bộ lãnh thổ, trái ngược với những tuyên bố trước đây chỉ tập trung vào việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.

Tuyên bố này cũng từng được cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Table.Media ngày 2/12/2024.

"Chúng ta cần một ranh giới ngừng bắn lý tưởng nhất là bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát", ông Stoltenberg nói.

Thế nguy của Ukraine

Cây viết Simon Heffer của The Telegraph nhận định, Nga đang nỗ lực thiết lập một vành đai bảo vệ quanh lãnh thổ của mình, bao gồm mục tiêu thiết lập một hành lang trên bộ hướng đến thành phố cảng Kaliningrad ở Baltic.

Khu vực này là một vùng lãnh thổ biệt lập của Nga, giáp với Ba Lan ở phía Nam và Litva ở phía Bắc và phía Đông. Nga có thể tiếp cận Kaliningrad bằng đường hàng không và đường biển nhưng không thể tiếp cận bằng đường bộ. Trong nhiều năm, Moscow đã đầu tư rất nhiều vào thành phố này, cho xây dựng căn cứ hải quân nhằm biến nơi này thành một tiền đồn vững chãi trong lãnh thổ Liên minh châu Âu. Trên thực tế, đây là một trong những lý do chính khiến châu Âu không nên từ bỏ Ukraine.

Ông Heffer lập luận rằng, việc châu Âu nhượng bộ Nga trong vấn đề Ukraine sẽ tạo đà cho Moscow tiếp cận Kaliningrad và nối thông hành lang trên bộ như ý muốn của Tổng thống Putin.

Ông Trump nổi tiếng là một chính trị gia theo phong cách đầy ngẫu hứng nên không có gì đảm bảo lập trường đối ngoại của chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ giữ nguyên như hiện tại.

“Đó có thể là một tin mừng đối với châu Âu và Ukraine. Không một ai muốn cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn nhưng không một ai muốn cuộc chiến này kết thúc theo cách Kiev phải nhượng bộ Moscow chỉ để hoàn thành lời hứa nhanh chóng chấm dứt xung đột của ông Trump”, cây viết Heffer nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm