Thời sự

"CPI quý I vẫn trong tầm kiểm soát"

Sau khi tăng mạnh vào tháng 2 (tăng 3,98%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã quay đầu giảm 0,23% so với tháng trước.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường cũng giảm theo, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Cụ thể, trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm trong tháng 3, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức (-0,76%), tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm). 

Tiếp theo là nhóm giáo dục (-0,29%), đồ uống và thuốc lá (-0,07%); May mặc, mũ nón, giày dép (-0,06%); Giao thông (-0,03%); Giáo dục (-0,29%); Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,12%); và Bưu chính, viễn thông (-0,01%).

Ngược lại, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,29%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,01%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02; Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,06%).

(Nguồn: TCTK)

Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Song, do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Vì vậy, trong quý I, lạm phát  cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước.

“Với tốc độ tăng này, có thể nói, CPI bình quân trong quý I ở mức 3,77% vẫn đang trong tầm kiểm soát”, bà Oanh nêu rõ.

Những yếu tố tiềm tàng tạo ra rủi ro lạm phát 

Nhận định về diễn biến về lạm phát, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong năm 2023, lạm phát kiểm soát được dưới mục tiêu phần lớn là do kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.

Còn trong quý I, kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI, …tạo ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu (6 – 6,5%) mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong năm 2024.

“Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.”, ông Việt nêu rõ.  

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR). (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Đáng quan ngại, những áp lực và rủi ro bên ngoài như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Chưa kể chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu, điện, … đặc biệt giá bất động sản một số nơi tại khu vực đô thị lớn đang có xu hướng tăng, cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội.

“Chính lạm phát kỳ vọng ở giá cả đầu vào cho đến giá dịch vụ và tăng lương sẽ có thể tác động lên lạm phát thực của quý còn lại. Đây là những yếu tố cần phải theo dõi sát sao. Do đó, bên cạnh việc phải kiên định, kiên trì các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng thì phải quan tâm hơn những yếu tố tiềm tàng tạo ra rủi ro lạm phát”, ông Việt nêu rõ.

Ba kịch bản về lạm phát năm 2024

Trên cơ sở tình hình thị trường trong nước quý I/2024, đánh giá tình hình thế giới và phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.

Về giải pháp, Tổng cục Thống kê kiến nghị Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì, chỉ đạo các bộ, ban, ngành xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng, dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục,..) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể.  

Đồng thời, cần sớm có phương án, lộ trình điều chỉnh giá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giữa các mặt hàng để tránh bị động trong ban hành và thực thi chính sách về giá.

Chính phủ, các bộ ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

“Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, dải Gaza và chiến sự ở Biển Đỏ khó lường, phức tạp”, Tổng cục Thống kê nêu.

Cơ quan thống kê cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá.

"Song song với đó, cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường", đại diện GSO nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm