Trong Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương với tiêu đề "Nền tảng Vững chắc cho Tăng trưởng" được công bố ngày 1/4, , Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5%.
Lý giải mức dự báo này, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng cũng giống như các quốc gia khác trong khu vực, một rủi ro khác với nền kinh tế Việt Nam là trong khi thương mại toàn cầu phục hồi và điều kiện tài chính nới lỏng sẽ hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chính sách không chắc chắn sẽ kìm hãm tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đang là lĩnh vực gây ra quan ngại. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhưng vẫn chưa có những cải cách lớn cần thiết trong dịch vụ, cải thiện đầu tư, thực hiện đầu tư công, bao gồm sự phối kết hợp giữa các địa phương và đầu tư vào thích ứng. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện để đảm bảo tăng trưởng của quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Aaditya Mattoo, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng khoảng 8%. Vì vậy, GDP 5,5% cũng tốt hơn so với nhiều quốc gia khác nhưng không đạt tiềm năng của một đất nước như Việt Nam.
“Đích đến cho việc lựa chọn Trung Quốc + 1, đó chính là Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể thu hút được đầu tư rất lớn”, ông Aaditya Mattoo khuyến nghị.
Trước đó, Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 mà WB công bố hồi đầu năm cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ là 5,5% và năm 2025 là 6%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ba yếu tố chính hỗ trợ cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam gồm: Nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam dần phục hồi; nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm ngoái; động lực từ tiêu dùng tư nhân, tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8.
“Việt Nam cần tiếp tục gia hạn thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn", báo cáo nêu rõ.