Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao và "dẫn đầu" cả nước. Tích lũy đợt dịch thứ 4 đến ngày 25/3, thành phố ghi nhận 1.241.567 ca nhiễm. Sở Y tế đánh giá thành phố đã qua đỉnh dịch , song không được chủ quan, lơ là.
Đỉnh dịch Covid-19
Trước Tết, Hà Nội duy trì xấp xỉ 3.000 ca/ngày. Trong Tết, con số này có xu hướng giảm nhẹ, nhưng được cảnh báo là giảm "giả tạo". Kết thúc kỳ nghỉ lễ, người dân di chuyển, giao thương nhiều nơi, Hà Nội tăng đột biến gần 4.000 ca/ngày.
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, Hà Nội tăng vọt số ca nhiễm, liên tục "lập đỉnh" trên dưới 30.000 ca. Các chuyên gia đánh giá biến chủng Omicron "đe dọa" và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/2, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cảnh báo, theo các chuyên gia, khoảng giữa tháng 3, số ca mắc tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.
Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và khuyến cáo người dân nâng cao ý thức.
Trên thực tế, ngày 8/3 Hà Nội ghi nhận kỷ lục 32.650 ca mắc Covid-19. Cùng với đó, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều F0 sau khi test nhanh, được yêu cầu ra trạm y tế phường xếp hàng dài để được xác nhận là F0 hoặc hết thời gian cách ly. Nhiều trạm y tế phường chỉ có 8-10 nhân viên y tế, nhưng có thời điểm họ đều mắc Covid-19 không thể tiếp tục làm việc.
Người dân xếp hàng chờ được công nhận F0 tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chiều 22/2 (Ảnh: Đinh Huy)
Ông Chu Ngọc Anh đánh giá thực trạng này là gánh nặng đối với y tế các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Thủ tục chồng chất trong khi nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi vaccine Covid-19.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận huyện quản lý người nhiễm qua phần mềm, tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở. Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu đơn giản thủ tục, tăng cường sử dụng phần mềm quản lý F0 và ứng dụng tối đa công nghệ.
Những ngày sau, số ca liên tục giảm. Đến 25/3, thành phố được đánh giá đã qua đỉnh dịch, hiện quản lý 264.820 F0 tầng 1 (nhẹ hoặc không triệu chứng), chiếm tỷ lệ 99.34%. Ngoài ra, 1.404 bệnh nhân trung bình điều trị ở tầng 2, chiếm tỷ lệ 0.53% và 345 bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3, chiếm tỷ lệ 0,13%.
Hà Nội kiên định với mục tiêu giảm số ca mắc, đảm bảo không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế. Đồng thời, thành phố kiểm soát số bệnh nhân chuyển nặng, chuyển tầng và tỷ lệ tử vong.
Thống kê số ca mắc Covid-19 của Hà Nội gần một tháng qua (Thiết kế: Minh Trang)
Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế
Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Ngày 9/3, kết quả giải trình tự gene 93/109 mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên, được xác định nhiễm Omicron, chiếm tỷ lệ 85,3%. Trong số này, biến thể phụ BA.2, hay còn gọi Omicron "tàng hình", chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.
Theo các nghiên cứu, Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3. Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.2 đang lây lan trên thế giới, khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%. Khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế tại Hà Nội (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác.
Theo bác sĩ Cấp, hiện nay cũng chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm PCR.
Thông thường, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene.
Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gán tên là "Omicron tàng hình".
"Do chưa có bằng chứng gì về việc BA.2 có nguy hiểm hơn so với những chủng trước, nên người dân không cần quá hoang mang", bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Trước những thông tin "Người nhiễm Omicron nhẹ hơn so với mắc chủng Delta", theo bác sĩ Cấp thực tế các nhóm bệnh nhân hiện nay chủ yếu nhiễm Omicron và có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước.
Điều này không chỉ do chủng Omicron có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn mà còn do quần thể dân cư đã được bao phủ vaccine đầy đủ hơn và hệ thống điều trị đã được củng cố tốt hơn, giúp quản lý bệnh nhân tốt ngay từ đầu để hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, dù Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế, nhưng số bệnh nhân ở tầng 2 và 3 có chiều hướng giảm, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là đầu mối phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các đơn vị có khả năng giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức xét nghiệm sàng lọc, giải trình tự gene các ca nhiễm Covid-19. Từ đó, đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố.
Hà Nội "hồi sinh"
Kể từ ngày 15/3, Việt Nam khôi phục hoạt động du lịch bao gồm nội địa và quốc tế. Hà Nội cũng xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố.
Cùng ngày, UBND TP. Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, quyết định số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Từ ngày 18/3, quận Hoàn Kiếm cũng mở lại các không gian phố đi bộ trên địa bàn.
Từ ngày 18/3, Hà Nội mở lại phố đi bộ hồ Gươm (Ảnh: Phương Thảo)
Thành phố khuyến cáo người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định 5K để phòng, chống dịch. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...), người dân không tham gia các hoạt động tại các địa điểm công cộng hay khu vực tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang... hạn chế số người tham gia ở cùng một thời điểm.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Ông nhấn mạnh, mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ, không có nghĩa là buông lỏng mà kiểm soát, quản lý hiệu quả.
"Vũ khí" giúp F0 ngồi nhà cũng lấy được giấy xác nhận khỏi bệnh
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế xây dựng phần mềm để trả các kết quả qua mạng, áp dụng chữ ký số.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xây dựng bài toán công nghệ nhằm giảm tải cho các Trạm y tế xã, phường trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công nhận F0 và giấy khỏi bệnh. Đây là một giải pháp trong chùm giải pháp tổng thể để hỗ trợ cho người dân và đội ngũ y tế cơ sở.
Đến ngày 25/3, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết các phiếu mẫu gồm: Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc ngoại trú, giấy xác nhận hoàn thành điều trị, giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được đơn vị phát triển phần mềm hoàn thành.
Trong hai ngày 23 và 24/3, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế để chuẩn bị triển khai thực hiện giai đoạn 1 trong thời gian tới.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố cho hay, tuần qua đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết hơn 61.000 lượt lao động mắc Covid-19 đến giải quyết chế độ nghỉ ốm.
Hà Nội khuyến cáo người dân không lơ là, chủ quan dù đã qua đỉnh dịch (Ảnh minh họa: Đinh Huy)
Không lơ là, chủ quan
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục liên quan đến thanh toán bảo hiểm xã hội nghỉ ốm do mắc Covid-19 nhanh chóng và thuận lợi.
Nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch của Trung ương và Thành phố. Người dân không chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt phải đeo khẩu trang 100%.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục bảo vệ nhóm người thuộc nguy cơ cao; kiểm soát chặt số ca F0 chuyển nặng và hạn chế ca tử vong. Ông cũng yêu cầu Sở Y tế đôn đốc các địa phương rà soát các trường hợp chưa tiêm vaccine mũi 3 để hoàn thành tiến độ trong thời gian sớm nhất.
"Chúng ta tiếp tục duy trì, siết chặt, không để lây lan, mất kiểm soát về tình hình dịch", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Clip: Phố đi bộ Hồ Gươm chính thức hoạt động trở lại sau gần 1 năm đóng cửa