Nhìn lại 2 năm đã qua, anh N.N.V tự nhận bản thân may mắn khi thu nhập thay đổi rõ rệt chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Trước năm 2020, anh V. là kỹ sư xây dựng. Hơn 10 năm đi theo các công trình, xa nhà, điều mà anh V. nhận được là khoản lương bấp bênh. Anh kể, 2019-2019, anh gần như sống nhờ khoản tiền trợ cấp từ vợ do công ty nợ lương. Vừa phải xa gia đình, vừa làm việc vất vả, thu nhập không đáng bao nhiêu, anh V. quyết định nghỉ việc.
Đến đầu năm 2020, anh V. chuyển việc, đầu quân cho một công ty chuyên về bất động sản công nghiệp. Theo đó, công việc của anh làm giám sát việc triển khai thi công hạ tầng. Anh V. cho biết, công ty anh tham gia đấu thầu các dự án công nghiệp, nhận các quỹ đất, xây dựng hạ tầng và tìm kiếm khách hàng nước ngoài thuê.
Nhờ công việc này, anh V. có cơ hội chung tiền cùng với đồng nghiệp mua đất ở các khu vực vùng ven khu công nghiệp dự án, đón đầu sự tăng giá. Lợi thế của việc nắm bắt được thông tin dự án, quy hoạch và tiến độ triển khai khu công nghiệp, anh V. và đội nhóm dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn được lô đất đẹp.
"Đa phần, chúng tôi đều mua được những lô đất rộng trước cổng các dự án khu công nghiệp. Đây vị trí dễ sinh lời nhất. Một số lô đất ở Hoà Bình, chúng tôi bỏ vốn chung nhau tăng gấp 2 chỉ trong thời gian ngắn".
(Ảnh minh hoạ)
Anh V. cho biết thêm, lô đất ven khu công nghiệp ở Nam Định mà nhóm anh vừa xuống tiền, đã tăng 30% chỉ trong vòng 3 tháng.
Bằng khoản tiền vay mượn người thân vài trăm triệu đồng, anh V. đã đầu tư thành công tới 6 thương vụ đất vùng ven khu công nghiệp. "Cũng may mắn nhờ công việc này, tôi nắm chắc được quy hoạch. Ví dụ dự án nằm ở đâu, khu vực đất nào sát dự án, gần đường mở vào khu công nghiệp. Khu vực nào nằm ở vị trí xấu như sát sau khu công nghiệp hay vị trí khu vực xả thải", anh V. cho hay.
Nhà đầu tư tay ngang này tiết lộ thêm, nhờ may mắn mà hiện tại anh và đội nhóm chưa thất bại trong thương vụ nào. Anh V. bật mí, sau 2 năm đầu tư bất động sản, anh đã xây được nhà mới ở quê và mua ô tô.
"Không kinh nghiệm đầu tư bất động sản, vốn đi vay 100%, nhưng tôi may mắn vì gặp được cơ hội tốt. Tôi vẫn lựa chọn đầu tư cùng đồng nghiệp. Khi vốn tốt và mạnh, tôi dự tính sẽ chủ động mua lô đất riêng", anh V. chia sẻ thêm.
Những năm trở lại đây, khi bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc được quan tâm, lượng nhà đầu tư thành công nhờ "ăn theo" đất vùng ven cũng gia tăng. Ngoài biên độ lợi nhuận tăng theo sự đổi thay của cơ sở hạ tầng xung quanh, giới đầu tư phân tích, đất ven khu công nghiệp dễ thanh khoản vì đáp ứng nhu cầu ở thực của công nhân, kỹ sư, và nhu cầu kinh doanh của người dân.
Ông Võ Văn Mười – Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Kim Thịnh Phát nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển sang các nước lân cận. Đặc biệt, Việt Nam là nước có lợi thế lớn trong thu hút các chuỗi cung ứng, những nhà máy công nghiệp lớn.
Theo ông Mười, thị trường cần một làn sóng mới khi bất động sản nghỉ dưỡng những năm qua gặp khó khăn bởi Covid-19. Đó là lý do mà những bất động sản "ăn" theo các khu công nghiệp trở thành hướng đầu tư mới. Các ông lớn đổ tiền vào bất động sản công nghiệp kéo theo các nhà máy, công xưởng, người lao động đổ về làm việc. Nhu cầu về bất động sản an cư, kinh doanh gần khu công nghiệp tăng mạnh. Ông Mười khẳng định làn sóng bất động sản ven khu công nghiệp sẽ trở thành xu hướng, phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư sẽ thắng lớn nếu chọn được sản phẩm tốt tại đây.