Thời sự

Công viên Thống Nhất: Mở rào không thu vé

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa thống nhất chủ trương về đề án tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang.

Chủ trương lập đề án đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua từ tháng 8. Đến tháng 11, quận Hai Bà Trưng đề nghị thành phố phê duyệt đề án. Tuy nhiên, nội dung tờ trình chưa cụ thể để có thể đưa không gian đi bộ khai trương hoạt động từ ngày 1/1/2023. Vì vậy, UBND thành phố giao quận Hai Bà Trưng chủ trì, phối hợp các sở, ngành khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận.

Hà Nội định hướng nghiên cứu theo hai giai đoạn phát triển không gian đi bộ ở quận Hai Bà Trưng: Giai đoạn 1 xác định không đưa các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du vào tuyến phố đi bộ (do ảnh hưởng tới tổ chức giao thông). Giai đoạn 2 có thể nghiên cứu mở rộng đối với các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du.

UBND thành phố Hà Nội cũng thống nhất phương án đề xuất của quận Hai Bà Trưng: Tổ chức không gian phố đi bộ giai đoạn 1 vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; Thống nhất không gian mở công viên Thống Nhất (phía đường Trần Nhân Tông) để kết nối với phố đi bộ, liên kết công viên với hồ Thiền Quang; Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép trong không gian đi bộ các công trình quan trọng như Nhà hát chèo, Rạp Xiếc Trung ương… và các không gian ngầm, công trình kiến trúc nổi bật sau khi hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 của công viên Thống Nhất.

Ngoài Công viên Thống Nhất, 2 công viên lớn khác là công viên Hòa Bình và Công viên Bách Thảo cũng sẽ được hạ hàng rào, không bán vé ra vào.

Chị Đàm Thanh Hương (phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng) cho biết, công viên nói chung và Công viên Thống Nhất nói riêng là nơi vui chơi, tập thể thao công cộng nhưng lại có chốt thu vé. Dù chỉ thu 4.000 đồng/vé người lớn nhưng đó vẫn là rào cản với người dân tiếp cận với không gian công cộng. “Tôi nghĩ việc hạ tường rào để người dân ra vào thoải mái mới phát huy giá trị đích thực của một không gian xanh”, chị Hương chia sẻ.

Dỡ bỏ “hàng rào” trong tư duy

Theo đại diện Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, thực tế ở công viên hiện nay, với mỗi vé 4.000 đồng/người lớn thì tiền bán vé không đủ trả lương cho 24 nhân viên bán vé. Việc để rào thu vé thực chất để đảm bảo an ninh cho công viên là chính. Quan điểm của Cty ủng hộ chủ trương hạ rào, không thu phí vào công viên, tuy nhiên cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể để quản lý tốt sau khi thành công viên mở.

Ngoài hạ hàng rào đoạn đường Trần Nhân Tông như kế hoạch, Cty TNHH Công viên Thống Nhất đang ấp ủ nhiều ý tưởng chuẩn bị cho không gian mở toàn bộ. Theo các ý tưởng được đưa ra, một góc khu vực công viên (đoạn đường Đại Cồ Việt) được cải tạo thành không gian mở, các thảm cỏ hiện nay được nối liền thành thảm cỏ rộng. Ở đó người dân có thể vui chơi, cắm trại, thư giãn... Một số dịch vụ như cho thuê lều trại, đốt lửa trại... sẽ được tổ chức một cách quy củ để tạo nguồn thu cho công viên.

Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc hạ rào Công viên Thống Nhất sẽ được thực hiện bước đầu ở mặt tiếp giáp phố Trần Nhân Tông. Phần rào sắt được phá bỏ để lại khối đế bê tông, khối đế này sẽ được chỉnh trang lại bằng cách ốp đá. Sau một thời gian hạ rào mặt phố này, sẽ có đánh giá lại cách quản lý để tiếp tục mở ở các mặt phố khác.

Ngoài ra, với không gian đi bộ hồ Thiền Quang gắn kết, công viên sẽ mở Quảng trường Thống Nhất - vị trí ở trục đường hoa từ cổng chính phố Trần Nhân Tông. Không gian thoáng với các sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn được kỳ vọng sẽ phát triển được kinh tế đêm tại khu vực này, tiềm năng mà hàng chục năm qua vẫn đang bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, cho biết, không gian phố đi bộ hồ Thiền Quang kết hợp mở rào Công viên Thống Nhất đã được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thống nhất chủ trương. Tuy nhiên, việc hạ rào một công viên lớn trong đô thị cũng đặt ra nhiều bài toán về quản lý. Các công viên, vườn hoa hiện nay có tình trạng xe máy phi vào chắn lối đi, tình trạng thiếu ý thức, mất vệ sinh môi trường gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dân. Do đó, quận đang xây dựng phương án hoạt động cho phù hợp, dự kiến hoàn thành trình cơ quan chức năng vào tuần tới.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ở các nước trên thế giới, công viên không có tường rào, chỉ những công viên nuôi thú mới cần tường rào. Theo ông Tùng, Công viên Thống Nhất cũng như nhiều công viên ở Hà Nội cần phải “mở”, bởi đó là không gian dành cho cộng đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm