Dat Bike – Startup sản xuất xe máy điện tại Việt Nam, được sáng lập vào năm 2019 bởi ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn (Sơn Nguyễn).
Sau khi rời Thung lũng Silicon (Mỹ), ông Sơn Nguyễn đã trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp với mong muốn chuyển đổi thói quen sử dụng xe xăng của người Việt sang xe điện. Nhận thấy thị trường xe điện ở Việt Nam đa phần là xe nhập khẩu từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng tuổi thọ pin không cao, công suất và tốc độ tương đối thấp, Dat Bike muốn tạo ra chiếc xe điện công suất lớn, có khả năng đi xa, sạc nhanh với mức giá vừa phải.
Đồng ý có người khen người chê, song với cộng đồng những người dùng Dat Bike đại diện hãng nhấn mạnh sẽ ngày càng hài lòng với các dòng sản phẩm mới.
Đơn cử, Công ty đã có lắng nghe và điều chỉnh yên sau để dễ dàng chở bạn (thay vì mẫu mã cũ chỉ vừa với việc chở bạn gái), hay chỗ để chân Dat Bike cũng đã cải tiến để thoả mái hơn (sau ghi nhận một vài người dùng mua về và phải chế lại)…
Cơ sở cho tham vọng tăng trưởng 10 lần/năm?
“Dat Bike đã tham gia Shark Tank, và sau 3 năm chinh chiến thì vị “cá mập” lớn nhất chúng tôi biết mình cần chinh phục là khách hàng. Chúng tôi đề mục tiêu doanh số sẽ tăng 10 lần mỗi năm, nhìn từ những gì Dat Bike đã đạt được”, CEO Sơn Nguyễn chia sẻ tại buổi ra mắt dòng xe mới Weaver++ vừa qua.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan trên, cơ sở khách quan để Dat Bike tuyên bố con số tăng tưởng ngoạn mục là dư địa thị trường xe điện tại Việt Nam. Theo xu hướng tiêu dùng mới, tất cả mọi người chuyển qua xe điện, không sớm thì muộn. Minh chứng, thị trường xe máy thì đã bão hoà, trong khi thị trường xe điện Việt trung bình tăng trưởng 30% mỗi năm. Theo đó, Dat Bike hiện vẫn tập trung khai thác miếng bánh trong nước với quy mô ngày càng rộng mở.
Dĩ nhiên, Công ty cũng có chủ trương xuất khẩu trong tương lai. Bởi, “xanh hoá” thị trường xe máy Đông Nam Á trị giá 25 tỷ USD là sứ mệnh ban đầu của nhà sáng lập.
CEO Sơn Nguyễn.
Từ khi thành lập đến nay, Dat Bike đã cho ra đời 3 phiên bản xe máy điện là Weaver, Weaver 200 và Weaver++. Riêng dòng xe mới nhất, Weaver++ có công suất tối đa 7.000W, tăng 1.000W so với phiên bản trước đó. Động cơ trên thế hệ mới Weaver++ là dạng Mid-motor, chuyển trọng lượng từ bánh sau lên giữa xe, giúp phân bổ trọng lượng xe tốt hơn. Dat Bike Weaver++ còn được trang bị lốp không săm, với kích thước lốp bánh trước 100/80 và bánh sau 120/80, đi cùng bộ vành 16 inch.
Theo chia sẻ của CEO, hiện Dat Bike đang chiếm thị phần rất lớn (không có con số cụ thể) trong phân khúc xe máy điện trên 50 phân khối (50cc). Trong đó, thị trường xe máy điện hiện chia là 2 phân khúc: Phân khúc dưới 50cc (cho đối tượng học sinh) và phân khúc trên 50cc (cho sinh viên, bạn trẻ, người đi làm…).
Tháng 11/2022, Dat Bike đã gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD. Dẫn dắt vòng rót vốn này là Jungle Ventures, cùng với sự tham gia của GSR Ventures, Delivery Hero Ventures, Wavemaker Partners và Innoven Capital. Như vậy, tổng số vốn Dat Bike huy động được đã lên tới con số 16,5 triệu USD.
Ra mắt Dat Charge - trạm sạc nhanh tiêu chuẩn cho xe 2 bánh
2022 được đánh giá là một năm thành công của Dat Bike khi không chỉ gọi vốn thành công liên tiếp, mà còn mở thêm cửa hàng thứ 3 tại Đà Nẵng, đồng thời ra mắt thành công Dat Charge - trạm sạc nhanh tiêu chuẩn cho xe 2 bánh.
“Mô hình trạm sạc là ấp ủ của cả Dat Bike, chúng tôi phủ sóng đường liên tỉnh cho năm sau. Có thể nói, dòng xe điện 2 bánh chưa có tiêu chuẩn sạc nhanh. Và Dat Charge sẽ là công nghệ tiên phong, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đối tác để mở rộng quy mô trong tương lai”, ông Sơn Nguyễn nói thêm.
Riêng dòng Weaver++ sở hữu pin Lithium-ion 72V, chỉ cần 1 giờ để sạc 100km đầu tiên và tổng 3 giờ cho quãng đường 200km. Bộ sạc tự ngắt khi đầy và người dùng có thể sạc bất cứ khi nào mà không lo chai pin. Pin của Weaver 200 có tuổi thọ lên đến 15 năm, tương đương với 150.000km, sau đó pin sẽ còn khoảng 70% và vẫn hoạt động ổn định bình thường. Weaver++ có thể sạc bằng cổng sạc nhanh 80A tại các trạm sạc nhanh Dat Charge, giúp xe đi được quãng đường 100km chỉ trong trong 20 phút và 150 km trong vòng 30 phút.
Weaver++ được bán với giá 65,9 triệu đồng.
Giá bán 65,9 triệu liệu có quá cao?
Weaver++ được bán với giá 65,9 triệu đồng. Khi được hỏi về việc tăng giá bán và giá bán khá cao, đại diện hãng cho biết do các linh kiện đầu vào tăng giá. Công ty cũng đã chuyển từ các nhà cung cấp nhỏ sang các nhà cung cấp lớn, đơn cử có Thaco.
Tất cả các linh kiện của Dat Bike được lấy trong nước. Còn với việc mức giá Dat Bike khá cao so với xe máy, CEO nhấn mạnh giá trị sử dụng sau 5 năm của Dat Bike và xe máy sẽ khác nhau, Dat Bike còn có chính sách bảo hành xe và bảo hành pin. Hiện, công suất sản xuất của Dat Bike vào khoảng hàng ngàn chiếc/tháng.
Trở lại với câu chuyện mẫu mã, nhiều quan điểm cho rằng Dat Bike khá đơn giản, thậm chí có người ví như chiếc sườn gắn cục điện… Liệu rằng Công ty có lo ngại việc bị một đối thủ Copy - Paste?
Trả lời, ông Sơn Nguyễn nhấn mạnh tốc độ phát triển sản phẩm của Dat Bike rất nhanh, 1 năm sau mẫu mới có thể đã thay đổi hoàn toàn. Nếu Copy – Paste, sau 2-3 năm đối thủ làm được thì lúc đó Dat Bike đã có mẫu mới. Do vậy, Dat Bike không lo ngại về việc bị ăn cắp mẫu mã. CEO cũng tiết lộ thêm, tương lai gần hãng sẽ ra mắt kiểu dáng mới hoàn toàn, phù hợp cho dáng khách hàng nữ (tương tự xe tay ga hiện nay).