Ngày 19/9, Neuralink cho biết công ty đã vượt qua bài kiểm tra từ một hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành về thần kinh tại Mỹ, qua đó được phép thử nghiệm cấy chip lên não các bệnh nhân bị bại liệt. Những người người bị liệt do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) đủ điều kiện để đăng ký.
Neuralink hiện chưa tiết lộ số người đã đăng ký. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ một số nhân viên và cựu nhân viên, công ty có thể nhận khoảng 10 bệnh nhân. Dự kiến, quá trình thử nghiệm cấy chip não lên bệnh nhân bị liệt sẽ mất khoảng 6 năm.
Đại diện Neuralink cho biết, việc cấy ghép bộ chip giao diện não - máy tính (BCI) sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng robot. Mục tiêu ban đầu là hỗ trợ bệnh nhân có thể tự di chuyển con trỏ chuột hoặc nhập chữ vào máy tính chỉ bằng suy nghĩ.
Hồi tháng 5, Neuralink cho biết công ty đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc cấy chip lên não người. Khi đó, Washington Post đánh giá rằng việc được cấp phép là cột mốc quan trọng của Neuralink. Công ty đã nộp đơn lên FDA nhưng bị từ chối nhiều lần. Gần nhất là đầu tháng 3 khi FDA cho rằng thử nghiệm ghép chip vào não của Neuralink không an toàn.
Trước Neuralink, một công ty khác là Synchron đã thành công trong việc đưa chip vào một bệnh nhân người Mỹ mắc ALS - căn bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và nói. Việc cấy chip của Synchron được FDA chấp thuận từ tháng 7/2021.
Musk thành lập Neuralink năm 2016. Ông kỳ vọng phát triển thành công "giao diện não - máy tính" để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Tháng 12/2022, tỷ phú Mỹ nói sẽ cấy chip vào cơ thể ông khi công nghệ này sẵn sàng áp dụng cho con người.
Neuralink có tám thành viên sáng lập gồm Elon Musk, Ben Rapoport, Dongjin Seo, Max Hodak, Paul Merolla, Tim Gardner, Tim Hanson và Vanessa Tolosa, nhưng sáu trong số đó đã nghỉ việc. Hiện công ty chỉ còn hai người trong đội ngũ sáng lập là Musk và kỹ sư cấy ghép Dongjin Seo.
(theo Reuters)