Bất động sản

Xuất hiện tình trạng bán tháo homestay tại Sóc Sơn?

Xuất hiện tình trạng bán tháo homestay tại Sóc Sơn? - Ảnh 1.

(Ảnh chụp màn hình)

Trong diễn đàn mua bán bất động sản vùng ven, môi giới tên M. chào bán lô đất rộng gần 1000m2, tại Minh Trí, Sóc Sơn. Theo giới thiệu của môi giới, lô đất này đã có sẵn nhà, ao đẹp, vị trí gần hồ Đồng Đò và khu công nghiệp. giá chỉ nhỉnh 1 tỷ, tức tương đương khoảng 1 triệu đồng/m2.

Xuất hiện tình trạng bán tháo homestay tại Sóc Sơn? - Ảnh 2.

Trên trang mua bán bất động sản, mảnh đất diện tích gần 1500m2 tại xã Tân Minh, Sóc Sơn được chào bán gấp với giá hơn 7 triệu đồng/m2.

Xuất hiện tình trạng bán tháo homestay tại Sóc Sơn? - Ảnh 3.

Thông tin rao bán homestay.

Anh Nguyễn Lộc (môi giới ở Sóc Sơn) cho biết: “Tôi thấy lượng người bán homestay, đất làm homestay tại Sóc Sơn với tăng nhiều trong vòng 2-3 tháng trở lại. Không ít lô đất đang bán với giá chỉ dao động 1-2 triệu đồng/m2. Nhưng chủ yếu đây là đất không sổ đỏ, mua bán giao dịch bằng giấy tờ viết tay. Còn đất có sổ, giá bán khoảng 6-8 triệu đồng/m2”.

Môi giới này cũng cho biết, khoảng hơn 1 năm trước, đất làm farmstay, homestay tại Sóc Sơn được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt ở khu vực gần hồ, có lợi thế cảnh quan, giá từng tăng 50-200% chỉ trong thời gian ngắn.

Thế nhưng đến giữa năm 2023, thị trường homestay ở khu vực vùng ven Hà Nội biến động khá mạnh.

Anh Lộc cho biết: “Hiện tại, nhiều chủ đất đang rao bán gấp. Theo tôi quan sát, một nhóm người bán homestay do ban đầu dự tính mua để đầu tư kinh doanh cho thuê. Nhưng đến khi đầu tư nhà, cảnh quan xung quanh và đi vào vận hành mới nhận thấy, tìm được khách thuê đều đặn rất khó. Tỷ suất lợi nhuận tưởng lớn nhưng thực tế muốn duy trì ở con số 7-8%/năm cũng đã khó khăn. Đầu tư homestay phải dành thời gian nhiều, công sức lớn và sự kiên trì. Trong khi, nhiều người vay lãi ngân hàng, áp lực trả nợ không nhỏ.

Một lý do lớn khác, đó là hiện Sóc Sơn đang đẩy mạnh gay gắt thanh tra, xử lý công trình xây dựng vi phạm trên đất. Vì thanh tra, nên nhiều homestay không thể đón khách. Không có khách thì đồng nghĩa không có tiền. Một số chủ homestay cũng lo bị ảnh hưởng, thanh tra, bị thu hồi nên mạnh tay rao bán”.

Trước đó, ông Phạm Quang Ngọc Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã khẳng định, trong tháng 8 và tháng 9/2023, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phá dỡ những công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bê tông lên đỉnh đồi Dõng Chum.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép và giải tỏa các lều lán xung quanh hồ Đồng Đò.

Đánh giá về thực trạng nhiều người bán tháo homestay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam từng cho rằng, việc đầu tư tràn lan, không tính toán đã gây ra hiện tượng vỡ trận, khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường.

Vị này cho rằng, việc xây homestay cho thuê, đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức về làm dịch vụ, vận hành, tính toán tỷ suất đầu tư. Trong khi đó, tâm lý chỉ cần mua đất, xây nhà và cho thuê, lợi dụng địa hình, cảnh quan mặc nhiên nghĩ sẽ thành công là sai lầm. Đó là lý do mà homestay mọc lên như nấm nhưng lượng homestay cho thuê đều đặn, thu dòng tiền thường xuyên không lớn. Nhất là nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, khi thu không đủ bù chi, dễ rơi vào cảnh mất trắng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm