Bất động sản

Chủ tịch Quốc hội: Không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về các vấn đề giao thông, môi trường..., đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nhắc lại vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này, theo VTC News.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu sáng 20/9. (Ảnh: VTC News).

Hiện nay, khái niệm “chung cư mini” không có trong danh mục công trình xây dựng. Những công trình này được cấp phép đa số đều là nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê. 

Khoản 2, khoản 3 Điều 46 của Luật Nhà ở 2014 có quy định về tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, chung cư mini được hiểu là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị xây dựng có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

Trao đổi với người viết trước đó, Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho biết dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất “luật hóa” loại hình chung cư mini dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”.

Tức là nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở vài trăm m2 thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản? (Gồm các thủ tục: chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất/cho thuê đất, định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình đủ điều kiện khai thác, vận hành...).

Ngoài ra, ông Đỉnh cho biết Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (trình Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 8/2023) lại cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp sổ hồng riêng đối với từng căn hộ. Điều này theo chuyên gia sẽ dẫn đến loại hình chung cư mini được “luật hóa” và không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Điều này cũng thế hiện trong Luật Nhà ở hiện hành (Điều 46) và trước đó là Nghị định 71/2010.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị không “luật hóa” chung cư mini, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ loại hình này, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

Nếu hộ gia đình, cá nhân nào có quyền sử dụng đất ở, muốn xây chung cư thì phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã và lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm