Giá thép thế giới tiếp tục hồi phục sau khi rơi về mốc thấp nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây. Cụ thể, giá thép thanh tương lai tiếp tục tăng vượt mốc 3.100 CNY/tấn. Đà tăng của giá thép thế giới phần nào làm giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất thép trong nước, trong đó có Hoà Phát (HPG).
Tại báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường thép nội địa sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi và hỗ trợ cho sản lượng bán hàng của doanh nghiệp trong nửa cuối 2024. Đặc biệt là khi hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, thị trường bất động sản phục hồi rõ nét hơn cùng với mùa cao điểm xây dựng trong quý 4.
Với thị trường xuất khẩu (chủ yếu cho sản phẩm HRC), mặc dù thị trường lớn là Châu Âu tiến hành điều tra chống bán phá giá HRC có nguồn gốc từ thị trường Việt Nam, VDSC cho rằng HPG sẽ chủ động chuyển đơn hàng sang các phục vụ nhu cầu của công ty tôn mạ nội địa. Qua đó sản lượng bán hàng của HPG trong nửa cuối năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn (+7% so với cùng kỳ), đóng góp phần lớn bởi 2,4 triệu tấn thép xây dựng (+13% so với cùng kỳ năm trước) và 1,5 triệu tấn HRC (tương đương cùng kỳ năm 2023).
Thêm vào đó, dù giá bán trung bình dự kiến giảm 10% so với nửa đầu năm do ảnh hưởng từ Trung Quốc, giá nguyên liệu chính có mức giảm tương ứng. Nhờ đó, HPG có thể duy trì biên GPM (biên lợi nhuận gộp) ở mức 13%, tương đương 6 tháng đầu năm 2024. VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp của HPG trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể lần lượt đạt 67.800 tỷ đồng và 8.800 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 8% và 10% so với cùng kỳ.
Về mặt lợi nhuận, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng cuối năm có thể đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Cho cả năm 2024, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 12.000 tỷ đồng (+77% so với cùng kỳ năm trước). EPS tương ứng là 1.775 đồng.
Trước đó trong quý 2/2024, HPG ghi nhận doanh thu 39.600 tỷ đồng (+34% so với cùng kỳ), với sản lượng tiêu thụ 2,3 triệu tấn (+28%YoY), trong đó sản lượng thép xây dựng đạt 1,27 triệu tấn (+62%YoY) và sản lượng HRC đạt 723 nghìn tấn (-5%YoY).
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục cải thiện từ nhu cầu từ các dự án đầu tư công và các dự án bất động sản (đặc biệt tại miền bắc); tuy nhiên sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) có sự suy giảm nhẹ so với quý trước, do thị trường Châu Âu áp dụng hạn ngạch nhập khẩu HRC với từng nước trong nhóm "các nước khác" (trong đó có Việt Nam) khiến việc xuất khẩu sang thị trường này khó khăn hơn trong quý 2.
Trong nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu 70.400 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, tương đương hoàn thành 50% kế hoạch cả năm đề ra.
"Cú đấm thép" 85.000 tỷ có thể ghi nhận doanh thu từ quý 1/2025
Diễn biến liên quan tại nhà máy Dung Quất 2, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, hiện tại dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó Công ty sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị. Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024.
Chứng khoán VDSC nhận định tiến độ xây dựng của dự án đang phù hợp kì vọng, qua đó DQ02 có thể bắt đầu đưa ra sản phẩm thương mại để ghi nhận doanh thu trong quý 1/2025.
VDSC kỳ vọng nhà máy có thể vận hành với hiệu suất tương đối cao trong năm 2025 (80% cho giai đoạn 01, tương đương 2,2 triệu tấn), tương ứng với sản lượng HRC trong năm 2025 của HPG có thể đạt 5 triệu tấn (+67% so với cùng kỳ, đáp ứng ~40% nhu cầu HRC của Việt Nam).
Được biết, khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025. Nhằm đảm bảo cho dự án triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, trên công trường, hàng trăm nhà thầu đang dồn lực ngày đêm vừa thi công xây dựng vừa lắp đặt thiết bị.
Theo thiết kế, thể tích lò cao của dự án Dung Quất 2 là 2500m3, gấp đôi thể tích lò của Dung Quất 1, giúp tiêu hao năng lượng thấp hơn. Dự án được triển khai từ quý 1/2022. Dự kiến, khi hoàn thành vào quý 1/2025, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.