Doanh nghiệp

Công ty Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy bán gần hết cổ phiếu Eximbank, chuyển sang mua ACB

Báo cáo tài chính quý 2/2022 mới công bố cho biết, CTCP Âu Lạc - doanh nghiệp vận tải xăng dầu lớn ở Tp.HCM, cổ đông lâu năm, đã bán gần hết cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu.

Cụ thể, tại thời điểm 30/06/2022, Âu Lạc chỉ còn nắm 319.700 cổ phiếu EIB với giá gốc gần 10 tỷ đồng (bình quân 30.860 đồng/cp), tương đương 0,35% vốn cổ phần của Eximbank. Hồi đầu năm, Âu Lạc ghi nhận sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu EIB với giá gốc 72 tỷ đồng và giá trị hợp lý được xác định là 145 tỷ đồng.

Ngược lại, Âu Lạc mua hơn 14 triệu cổ phiếu ACB với giá gốc 365,5 tỷ đồng (bình quân 26.000 đồng/cp), tương ứng 0,42% vốn của ACB.

Một doanh nghiệp vận tải xăng dầu đã bán cổ phiếu EIB, mua vào lượng lớn cổ phiếu ACB - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý 2/2022 của CTCP Âu Lạc

Việc bán cổ phiếu EIB (chứng khoán kinh doanh) đem về 79 tỷ đồng lãi tài chính cho Âu Lạc. Trong khi khoản đầu tư vào ACB đang phải dự phòng 28 tỷ đồng.

Vào năm 2018, CTCP Âu Lạc mua 3,7 triệu cổ phần EIB với giá 53,6 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT và nữ doanh nhân từng giữ vị trí cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank vào năm 2015. Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019. Một thành viên HĐQT khi đó là ông Nguyễn Thanh Tùng cũng là cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc.

Theo thông tin chúng tôi có được, tính đến tháng 1/2022, bà Ngô Thu Thúy nắm giữ 60,5 triệu cổ phiếu EIB tương đương 4,9% vốn cổ phần của ngân hàng. Nhưng hiện tại, không rõ bà Thúy còn giữ EIB hay không.

Khi cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Eximbank tổ chức thành công vào ngày 15/02/2022, ngân hàng này được cho rằng đã đi vào ổn định để lấy lại vị thế trên thị trường tài chính.

Sau đó, SMBC thông báo chính thức chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank, nhưng chưa chính thức thoái vốn. Trong lúc đó, VOF Investment Limited (VOF) - một quỹ đầu tư của VinaCapital - đã bán ra toàn bộ số cổ phần EIB vào đầu tháng 3. Tính đến ngày 28/2, giá trị cổ phiếu Eximbank chiếm 6,4% NAV - lớn thứ ba trong danh mục đầu tư của VOF.

Về hoạt động kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ vận tải biển, hàng hải, Âu Lạc đạt 281 tỷ đồng doanh thu – tăng gần 60% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 68,8 tỷ đồng - tăng tới 82% dù không còn khoản thu nhập từ bán tàu. Năm ngoái, nhờ thanh lý tàu Aulac Jupiter đem về 76,6 tỷ đồng, công ty này có lãi hơn 62 tỷ đồng từ hoạt động khác.

Bán tàu đã là cứu cánh cho doanh nghiệp vận tải Âu Lạc trong những năm khó khăn. Năm 2019, Âu Lạc cũng đã phải bán tàu Aulac Venus và nhận về khoản tiền 133 tỷ đồng. Công ty cho biết, thị trường biến động liên tục và thất thường đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường vận tải xăng dầu khi nguồn cung nhiều hơn nhu cầu, các tàu thường xuyên phải neo đậu chờ khách dài ngày. Việc tàu bị huỷ chuyến nhiều, trễ chuyến cũng gây nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lịch tàu phù hợp, không tận dụng được các chuyến hàng có lợi nhuận cao. Đội tàu của Âu Lạc thực hiện nhiều tuyến ngắn trong nội địa Malaysia và chuyển cảng tại Singapore nên giá cước thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao.

Tuy nhiên năm nay, với sự tăng trưởng của thị trường vận tải biển, Âu Lạc đã vay tiền để mua thêm tàu, ghi nhận 766 tỷ đồng vào giá trị xây dựng cơ bản dở dang.

Trước khi bán đi Aulac Venus và Aulac Jupiter, Âu Lạc sở hữu đội tàu 8 chiếc với tổng dung tích hơn 63.000 GT (gần 180 nghìn M3), là một trong những nhà vận tải xăng dầu lớn nhất tại TP.HCM.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm