Doanh nghiệp

Thị trường trang sức: Dư địa lớn, thương hiệu Việt liệu có tận dụng được lợi thế sân nhà?

Sự xuất hiện của 'ông lớn' Pandora

Hồi đầu tháng 5, thương hiệu Pandora chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam bằng cách đầu tư 100 triệu USD để xây nhà máy ở Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương).

Thị trường trang sức: Dư địa lớn, thương hiệu Việt liệu có tận dụng được lợi thế sân nhà? - Ảnh 1.

Vòng Pandora làm biết bao tín đồ thời trang cảm thấy say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ảnh Pandora

Đây là nhà máy thứ 3 của Pandora trên thế giới và là nhà máy đầu tiên ngoài Thái Lan của ông lớn ngành trang sức đến từ Đan Mạch.

Ông Jeerasage Puranasamriddhi, giám đốc Điều hành Tập đoàn Pandora tại Thái Lan khẳng định: “Đây là một bước tiến quan trọng đối với Pandora, đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi xây dựng một cơ sở sản xuất bên ngoài Thái Lan".

Trước khi vào Việt Nam, Pandora đã tiến hành khảo sát đánh giá kỹ lưỡng trên tất cả các tỉnh thành và đã chọn tỉnh Bình Dương làm điểm dừng chân vì ba lý do: Thứ nhất, nguồn lao động có tay nghề cao sẵn có; Thứ hai, cơ sở hạ tầng và gần sân bay quốc tế. Và cuối cùng, chính là sự nhiệt tình, sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh.

Chuyên gia phân tích thị trường Bùi Ngọc Sơn nhận định: "Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ giúp Pandora có thể tối ưu giá thành bán ra tại thị trường Việt Nam, vì sản phẩm được chế tác và gia công tại chỗ, giảm thiểu chi phí xuất nhập khẩu, các loại thuế phí khác".

Thị trường màu mỡ

Trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: "Nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng Việt Nam dần tăng khi cuộc sống ngày càng được cải thiện".

Thị trường trang sức: Dư địa lớn, thương hiệu Việt liệu có tận dụng được lợi thế sân nhà? - Ảnh 2.

Một bộ trang sức sinh nhật của PNJ. Ảnh PNJ

Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng trưởng khoảng 8%. Trong quý I năm nay, tổng nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo năm 2021 của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh thu thuần của thương hiệu này đạt hơn 19,547 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước, nhưng lãi ròng giảm 4% còn hơn 1.029 tỉ đồng.

Thực tế là sức mua của thị trường có bị giảm vào quý III, IV năm ngoái do tác động bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý I/2022, PNJ ghi nhận mức tăng trưởng 41-42% về doanh số so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sức mua đã quay trở lại.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho biết: "Trong năm nay, PNJ dự kiến sẽ mở rộng thêm 35-50 cửa hàng, tăng độ bao phủ trên toàn thị trường trong nước."

Nhận định về tiềm năng của thị trường trang sức, ông Thông cho rằng trong 10 năm tới, xu hướng trang sức trung cao cấp vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Ai sẽ làm chủ cuộc chơi?

Theo nghiên cứu của Vietnam Direct, ở Việt Nam hiện tại, có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý ở. Tuy nhiên, đối với thị trường trang sức, chưa có một thương hiệu lớn nào được đánh giá là có khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Thị trường trang sức: Dư địa lớn, thương hiệu Việt liệu có tận dụng được lợi thế sân nhà? - Ảnh 3.

Nhu cầu trang sức trong giới trẻ rất lớn. Ảnh Trọng Hiếu

Các tên tuổi lớn như PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu chỉ chiếm thị phần nhỏ. Trong khi đó, thị trường trang sức nội địa gặp nhiều thách thức thời kỳ COVID khiến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững, ngoại trừ những thương hiệu lớn.

“Về thị trường trang sức Việt Nam, đây là một thị trường màu mỡ chưa được khai thác hết. Theo thống kê sơ bộ, các thương hiệu hiện tại chỉ chiếm khoảng 30 – 40% thị trường hiện tại", ông Sơn phân tích và nhận định thêm, trên sân nhà, thương hiệu Việt có nhiều lợi thế để cạnh tranh.

Thứ nhất, thị trường này là thị trường thuộc dạng đặc thù. Có người mua trang sức để làm đẹp, có người mua trang sức, vàng để lưu trữ. Các thương hiệu Việt có cái lợi là được kinh doanh thêm vàng miếng, một trong những kênh lưu giữ dòng tiền hiệu quả.

Thứ hai, để cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế, đã đến lúc các thương hiệu Việt phải thay đổi về mẫu mã phù hợp với thị hiếu thị trường, khi theo một số khảo sát, những người trẻ đang là trụ cột tiêu dùng. Phần lớn các mẫu mã trang sức hiện đang nhắm tới tệp khách hàng thuộc phân khúc này.

"Thương hiệu Việt có lợi thế sân nhà, chỉ cần làm tốt là không sợ người tiêu dùng quay lưng. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Chỉ những doanh nghiệp thực sự mạnh, có thương hiệu và uy tín mới có thể nắm bắt tốt cơ hội này", ông Sơn kết luận.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm