Số lượng người mua sắm trực tuyến đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, dự kiến vẫn duy trì tăng trưởng trong những năm tới. Theo IBEF, thị trường thương mại điện tử Ấn Độ sẽ tăng 21,5% lên 74,8 tỷ USD vào năm 2022.
Hàng năm, thị trường thương mại điện tử Ấn Độ liên tục mở rộng, kéo theo sự tăng trưởng của logistics với nhiều thành tựu ấn tượng. Việc ngày càng nhiều người chuyển sang mua hàng trực tuyến đã tạo bước đệm vững chắc cho các doanh nghiệp ngành này tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động.
Ngành bán lẻ trực tuyến tại đây đã trải qua cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số cách đây 5 năm. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức về hình thức mua sắm mới cho người tiêu dùng, trang bị cho nền tảng logistics những công nghệ hiện đại, triển khai nhiều ưu đãi lớn quanh năm... đã góp phần mở rộng cả lĩnh vực thương mại điện tử và hậu cần.
Công nghệ thay đổi logistics
Thương mại điện tử không phải hiện tượng mới. Tuy nhiên từ khi đại dịch bùng phát, tốc độ tăng trưởng ngành này được thúc đẩy mạnh mẽ. Sự bùng nổ của e-commerce đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp logistics, cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho hàng và quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp thương mại chuyển hướng sang kinh doanh online chọn thuê ngoài dịch vụ logistics để đảm bảo các đơn đặt hàng được vận chuyển chính xác và đúng tiến độ.
Các công ty ngành này đã thiết lập các dịch vụ khác nhau để tiếp cận mạng lưới toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu của khách hàng tăng lên từng ngày. Người bán lẫn nhà phân phối đều tìm cách khắc phục các trở ngại về vận chuyển.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp hậu cần đã đưa ra loạt yếu tố đổi mới, từng bước hoàn thiện quy trình. Một trong số đó là chính sách giao hàng trong vòng 2h kể từ thời điểm nhận thông báo đặt hàng thành công, áp dụng cho những sản phẩm, mặt hàng dễ hư hỏng.
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mong đợi ở thời gian giao hàng nhanh chóng mà còn bao gồm cả quy trình đổi, trả hàng đơn giản. Để đáp ứng nhu cầu này, các sàn thương mại điện tử buộc phải chủ động và nhanh nhạy.
Theo một số đánh giá, vấn đề khó nhất với các nhà bán lẻ là duy trì chuỗi cung ứng thông suốt. Một nền tảng logistics kết hợp với AI và một số công nghệ hiện đại khác hiện là điều các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử tìm kiếm.
Thương mại điện tử "cất cánh" nhờ công nghệ hiện đại
Ngày nay, người dùng toàn cầu đã quen với việc mọi hoạt động đều có thể diễn ra trực tuyến. Trải qua hai năm chịu sự ảnh hưởng của đại dịch, bây giờ chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối internet đã có thể thỏa mãn hầu hết các nhu cầu cơ bản.
Công nghệ đã giúp cải tiến và nâng cao năng suất chuỗi cung ứng, đồng thời giảm chi phí và những sai sót có thể lường trước được. Những tiến bộ này góp phần hỗ trợ toàn bộ hoạt động kinh doanh trực tuyến và logistics, bao gồm: vận tải hàng hóa, vận chuyển quốc tế (đường biển và đường hàng không), quản lý chuỗi cung ứng và giám sát hàng hóa.
Các công ty bắt đầu đưa công nghệ hiện đại vào hầu hết các khâu vận hành, xử lý chuỗi cung ứng cho các đối tác kinh doanh trực tuyến. Đây là sự tác động ba bên khi cả logistics, doanh nghiệp thương mại lẫn các kênh bán online như thương mại điện tử đều có số liệu đi lên.
Những công nghệ mới cho phép người dùng so sánh phí vận chuyển từ nhiều nhà vận chuyển trên cùng một nền tảng; kiểm tra tình trạng đơn hàng hoặc gọi điện thoại cho tổng đài để xác nhận trực tiếp; theo dõi thời gian thực và chọn đối tác vận chuyển hiệu quả nhất dựa trên các số liệu từ những người dùng trước.
Loạt giải pháp hỗ trợ bởi AI giúp tối ưu thời gian xử lý và vận chuyển đơn hàng. Toàn bộ giai đoạn đầu cuối hầu hết đều được các doanh nghiệp logistics ứng dụng tự động hóa, khiến mọi thứ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhờ đó, họ có thể loại bỏ các nút thắt hậu cần, tăng hiệu suất phân loại, vận chuyển. Đồng thời, các doanh nghiệp còn tiết kiệm đến 20% chi phí vận hành và quản lý nguồn nhân lực dễ dàng, hiệu quả hơn.
Nhìn chung, logistics và thương mại điện tử có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong kinh doanh. Với quốc gia sở hữu dân số cao thứ hai thế giới, đến 1,4 tỷ dân như Ấn Độ, nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và mua sắm trực tuyến trên thương mại điện tử rất lớn. Chưa kể nền văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội diễn ra quanh năm cũng là lợi thế cho thương mại điện tử nắm bắt, tận dụng tổ chức các đợt chiến dịch ưu đãi, kích cầu mua sắm. Lĩnh vực logistics cũng hưởng lợi từ những đợt cao điểm này.
Để phát triển và giữ vững vị thế cạnh tranh trên thị trường hiện tại, các đối tác logistics cần không ngừng cải tiến, cung cấp dịch vụ chất lượng, nhanh chóng, linh hoạt, đơn giản với giá cả cạnh tranh. Với những thành tựu và hiệu quả kinh doanh, vận hành đạt được đến nay từ việc ứng dụng công nghệ vào toàn trình, đây hứa hẹn sẽ tiếp tục là yếu tố giúp doanh nghiệp ở cả hai lĩnh vực thương mại điện tử và logistics tại Ấn Độ rút ngắn thời gian tăng trưởng trong những năm tới.
(Theo Times of India)