Tăng chuyến, mở mới đường bay
Theo số liệu mới được Cục Hàng không Việt Nam công bố, các hãng bay của nước ta khai thác 111.346 chuyến trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Vasco – một hãng bay thuộc Vietnam Airlines Group – có tỷ lệ hồi phục cao nhất là 28,2%. Theo ngay phía sau chính là Vietnam Airlines với tốc độ tăng 27,8%.
Pacific Airlines – một hãng bay khác trong Vietnam Airlines Group – ghi nhận số chuyến khai thác giảm 18,6%.
Tổng cộng ba hãng bay thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group – Mã: HVN) đã khai thác 52.023 chuyến bay trong 5 tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ hồi phục của Vietjet Air và Bamboo Airways lần lượt là 16,8% và 4%.
Về thị phần số chuyến bay 5 tháng, Vietnam Airlines tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ 39%, ngang với năm 2021. Thị phần của Vietjet Air tăng lên trong khi của Bamboo Airways giảm đi.
Nếu tính cả ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang chiếm khoảng 46,7% tổng số chuyến bay toàn ngành.
Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa chống dịch ở Việt Nam cũng như tại nhiều nước trên thế giới đã được nới lỏng, các hãng hàng không đã tích cực mở lại và mở mới nhiều đường bay.
Vietnam Airlines cho biết đã khai thác trở lại các chặng đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trong 6 tháng đầu năm nay, bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào và Campuchia.
Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Vietnam Airlines đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép.
Vietnam Airlines cho biết đang khai thác tổng cộng 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với 2019. Dự kiến từ tháng 7 tới đây, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39, bằng 60% trước dịch.
Theo kế hoạch từ tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) sẽ khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng đến cuối năm 2023 hãng có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế giống như năm 2019.
Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines gia tăng doanh thu. Năm 2019 khi COVID chưa bùng phát, mạng bay quốc tế đóng góp tới 65% doanh thu của hãng hàng không quốc gia.
Trong tháng 6 này, Vietjet đã công bố nhiều đường bay kết nối Việt Nam và Ấn Độ như chặng TP Hồ Chí Minh/Hà Nội – Mumbai, Phú Quốc - New Delhi/Mumbai.
Hôm 25/6 vừa đây, Vietjet đã công bố mở 7 đường bay quốc tế mới kết nối thành phố Đà Nẵng với nhiều địa danh ở Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ, bao gồm các thành phố Busan, New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore và Singapore.
Trước đó, hai đường bay TP Hồ Chí Minh/Hà Nội - New Delhi cũng đã được Vietjet mở lại từ tháng 4 với tần suất 3-4 chuyến/tuần cho mỗi chặng.
Hôm 16/6, một hãng hàng không khác của nước ta là Bamboo Airways đã khai trương đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh – Frankfurt (Đức) bằng tàu thân rộng Boeing 787-9. Đây là đường bay thẳng thứ 2 của Bamboo Airways tới Cộng hòa Liên bang Đức, sau chặng thường lệ Hà Nội – Frankfurt khai trương ngày 25/2 năm nay.
Thị trường hồi phục nhưng hãng bay vẫn khó khăn
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 28/6 vừa qua, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết dòng tiền mà Vietnam Airlines thu về hàng ngày hiện nay đã tương đương 80% giai đoạn trước dịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá mạng bay quốc tế mới chỉ khôi phục được khoảng 20%. Trung Quốc – thị trường quan trọng của các hãng bay nước ta trước năm 2020 – vẫn duy trì chính sách Zero COVID, chưa mở cửa đón khách quốc tế.
Pacific Airlines – hãng duy nhất ghi nhận số chuyến bay suy giảm trong 5 tháng đầu năm 2022 – đang có tình hình tài chính “rất nghiêm trọng”, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động, công ty mẹ Vietnam Airlines cho hay.
Giá nhiên liệu bay lên cao là một trở ngại lớn khác đối với hoạt động của các hãng.
Bình quân năm 2021, giá nhiên liệu bay vào khoảng 72 USD/thùng, sang 6 tháng đầu năm 2022 là 116 USD/thùng. Vietnam Airlines dự kiến giá trung bình cả năm nay là 138 – 140 USD/thùng, tức là gần gấp đôi năm ngoái.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dưới đây, giá nhiên liệu bay Jet A1 cuối tháng 6 này là trên 170 USD/thùng thấp hơn so với mức đỉnh hồi cuối tháng 4 nhưng cao hơn nhiều so với năm 2021.
Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết khi giá xăng máy bay lên tới 160-165 USD/thùng thì chi cho nhiên liệu chiếm xấp xỉ 50% tổng chi phí của hãng, ông cũng khẳng định không hãng nào có thể có lãi khi bay với giá nhiên liệu cao như hiện nay.
Tại một sự kiện tổ chức ngày 28/6, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay: “Các hãng hàng không dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng, dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí, ước tính các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ/tháng”
Báo Chính phủ cho biết Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất giảm thuế môi trường, xăng dầu để hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng và từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hiền cho biết nếu giá xăng năm nay không tăng mạnh so với 2021, Vietnam Airlines sẽ chỉ lỗ nhiều nhất là 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì giá nhiên liệu cao phi mã, hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ tới 9.335 tỷ dù kế hoạch doanh thu cao gấp 2,4 lần năm trước.
Quý I năm nay, Vietnam Airlines đã lỗ sau thuế hợp nhất 2.686 tỷ đồng. Vietjet Air báo lãi sau thuế 244 tỷ đồng nhưng kết quả này có công lớn của khoản doanh thu hoạt động tài chính 1.156 tỷ đồng, còn hoạt động vận tải hàng không cốt lõi ghi nhận lỗ gộp gần 259 tỷ.