Định hình lại tương lai của các khu công nghiệp
Robot trong nhà máy của Tesla tự động lắp ráp ô tô một cách chính xác theo quy trình giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Công nghệ AI, Big Data được áp dụng tại các nhà máy của General Electric theo dõi, phân tích hiệu suất của máy móc, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động, tăng hiệu quả hoạt động. Các giải pháp IoT được ứng dụng trong khu công nghiệp của Siemens giúp theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất một cách hiệu quả, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm lãng phí. Hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên, tuần hoàn như ở KCN sinh thái Kalundborg (Đan Mạch)...
Những lát cắt công nghệ trong nhà máy thông minh, khu công nghiệp thông minh đã gợi mở một góc của bức tranh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi tất cả mọi thứ. Trong đó các công nghệ như Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Edge Computing (điện toán biên)… là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Hiện các khu công nghiệp truyền thống đang phải đối mặt với các vấn đề về tiêu tốn nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, quản lý dữ liệu kém, quản lý chất thải và tài nguyên chưa hiệu quả, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm… Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 có thể giải quyết các vấn đề này và tạo ra tương lai bền vững và thông minh hơn cho các khu công nghiệp.
Cơ hội thuận dòng Net Zero
Không chỉ giúp giải bài toán nội tại trong các khu công nghiệp truyền thống, giải pháp công nghệ còn giúp các doanh nghiệp, khu công nghiệp chuyển đổi để "bắt sóng" xu hướng chuyển đổi xanh đang là lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia.
Hơn 130 nước đã cam kết mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. Những chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hay dự thảo carbon của Mỹ… đang hình thành nên luật chơi mới về "sản xuất xanh - xuất khẩu xanh". Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các bên tham gia sâu hơn vào tiến trình xanh hóa.
Phát triển, chuyển đổi các khu công nghiệp xanh là một trong những ưu tiên của Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình hướng tới Net Zero.
Tại Diễn đàn Bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam 2024, các chuyên gia khẳng định: xu hướng chuyển đổi số tại các KCN sẽ tạo ra chuyển đổi xanh, giúp bảo vệ sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, cơ hội duy trì sản xuất và bán hàng ra quốc tế.
Xu hướng hiện nay cho thấy, thị trường bất động sản công nghiệp hướng đến xanh hóa mọi khâu, từ phát triển bất động sản đến vận hành và sản xuất. Trên thực tế tại Việt Nam và các nước trong khu vực, các khu công nghiệp xanh, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) đang trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, các chuyên gia dự báo đây sẽ là ưu thế cạnh tranh mới thay thế lợi thế cạnh tranh về giá.
Hợp tác để phát triển
Tại Việt Nam, để thực hiện Chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, các KCN truyền thống sẽ cần được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Tuy nhiên, con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn và thách thức cần sự hợp tác của nhiều bên để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc giải pháp TNTech chia sẻ: "Chúng ta có thể hình dung công cuộc ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực khu công nghiệp như một giải chạy tiếp sức. Ở đó, những chính sách thương mại quốc tế và luật pháp tại các quốc gia tạo ra luật chơi và doanh nghiệp là người chạy tiếp sức. Các doanh nghiệp công nghệ sẽ là vận động viên đầu tiên, ứng dụng công nghệ phát triển giải pháp KCN thông minh. Sau đó, chuyển giao cho người chạy tiếp theo là các KCN và doanh nghiệp. Tất cả đều phải phối hợp nhịp nhàng, chính xác, tối ưu hóa về tốc độ và sự phối hợp để mang lại chiến thắng cuối cùng cho tất cả".
Trên hành trình chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh, chắc chắn các quốc gia, các doanh nghiệp đều cần phải xây dựng mạng lưới hợp tác chiến lược mới có thể khai thác tối đa tiềm năng, chia sẻ tài nguyên và kiến thức, từ đó tạo ra giá trị gia tăng và đổi mới liên tục. Hợp tác sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển và thành công trong một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ.