Xã hội

Công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng?

Thường trú là việc cư trú liên tục và dài hạn tại một địa điểm thuộc sở hữu cá nhân, gia đình, hoặc thuê, mượn, ở nhờ. Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp theo khoản 4 điều 20 luật Cư trú.

Công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo không? - Ảnh 1.

Người dân có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo nếu đủ điều kiện

ẢNH: TRẦN KHA

Giải thích từ ngữ theo khoản 4 và khoản 14 điều 2 luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Còn cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

Cụ thể, người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo; người đại diện cơ sở tín ngưỡng; người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

Như vậy, chỉ có những công dân thuộc các trường hợp nêu trên mới có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Hồ sơ chuẩn bị đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo

Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, điều kiện để công dân có thể đăng ký thường trú tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ là nhà ở thì phải được sự đồng ý của người đại diện hoặc ban quản lý, người có thẩm quyền tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó. Ngoài ra, người đó phải cư trú thực tế tại địa chỉ thuộc cơ sở tôn giáo trong thời gian dài.

Theo luật sư Trang, để đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, người dân chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ theo khoản 4 và khoản 5 điều 21 luật Cư trú để tránh việc thiếu sót hồ sơ:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01). Riêng đối với trường hợp theo điểm c (là người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng) thì trong tờ khai cần ghi rõ nội dung người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú, trừ khi nội dung đó đã được thể hiện bằng văn bản riêng đính kèm.

- Giấy tờ chứng minh tư cách: Đối với chức sắc, nhà tu hành… phải cung cấp một trong các giấy tờ như quyết định bổ nhiệm, giấy thông báo thuyên chuyển, phong phẩm, bầu cử, suy cử hoặc các tài liệu khác theo quy định của luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

- Đối với người là đại diện cơ sở tín ngưỡng hồ sơ phải có văn bản công nhận do UBND cấp xã xác nhận người đó là đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở.

- Văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở, đủ điều kiện làm nơi đăng ký cư trú hợp pháp.

Đối với các trường hợp đặc biệt theo điểm d khoản 4 điều 20 (là trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người không nơi nương tựa được cơ sở tôn giáo cưu mang và đồng ý cho thường trú), hồ sơ để đăng ký thường trú cần có:

- Tờ khai CT01, trong đó cũng phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện cơ sở tôn giáo hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ khi đã có văn bản riêng kèm theo.

- Văn bản xác nhận của UBND cấp xã, trong đó ghi rõ người đăng ký thường trú thuộc diện người yếu thế, trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng và xác nhận rõ ràng rằng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.

Người dân có thể nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại công an cấp xã nơi mình đăng ký cư trú. Cán bộ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú sẽ kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Ngoài ra, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng VNeID hoặc dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.

Người dân phải đóng lệ phí đăng ký thường trú là 10.000 đồng nếu đăng ký trực tuyến, 20.000 đồng nếu đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trực tiếp.



Các tin khác

Thị trường mới nổi lên ngôi, cổ phiếu nội dẫn sóng?

Giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang các thị trường mới nổi giàu tiềm năng, trong đó châu Á, đặc biệt là Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn.

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh

Vào lúc 9h sáng nay (21/5), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 118 - 120,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Chênh lệch mua - bán 2,5 triệu đồng/lượng.

Bỏ thuế khoán khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Chính thức bỏ thuế khoán đối với cá nhân, hộ kinh doanh từ đầu năm 2026 song song với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này được đánh giá sẽ khuyến khích nhiều hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.