Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM và ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm trao đổi về tính cấp thiết, vai trò và khả năng thực thi các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV như: luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự.
Đồng thời, hội thảo cũng sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp thực tiễn liên quan đến hai dự án luật đang được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV gồm: luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và luật Dẫn độ.

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu tại hội thảo
ẢNH: T.L
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam cho biết hội thảo sẽ đi sâu vào một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, đồng thời gắn bó mật thiết với các lĩnh vực như an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, Chính phủ số và kinh tế số. Việc xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực bảo vệ thông tin cá nhân và đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong kỷ nguyên số.
Thứ hai, sau 7 năm thi hành, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai bộc lộ nhiều bất cập do thay đổi trong tổ chức bộ máy Công an nhân dân và sự không tương thích với các quy định mới của Đảng, Nhà nước. Việc sửa đổi luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách và nâng cao hiệu quả điều tra hình sự.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 mà còn thể hiện rõ quyết tâm hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Toàn cảnh hội thảo
ẢNH: T.L
Thứ tư, sau quá trình thực hiện luật Tương trợ tư pháp năm 2007, nhiều quy định về chuyển giao người đang chấp hành án và dẫn độ không còn phù hợp. Do đó, việc ban hành luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và luật Dẫn độ là bước đi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
"Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn mới", Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam nhận định.