Ngày 25-4, theo một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã mời làm việc với Nguyễn Thị Minh Thy (24 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thy chính là người đã lập ra tài khoản “Nhóm từ thiện 82” trên Facebook. Nhóm này kêu gọi từ thiện, bán hàng gây quỹ từ thiện, nhận tiền từ các nhà hảo tâm. Trong đó, bà Thy cũng được xác định làm quản lý quỹ của nhóm.
Dòng trạng thái "lừa đảo" trên trang "bác sĩ Khoa" làm nhiều người sập bẫy. Ảnh chụp màn hình
Ban đầu cơ quan điều tra xác định “Nhóm từ thiện 82” có nhiều thành viên, trong đó có một tài khoản tên “Trần Khoa”, tự xưng bác sĩ.
Hôm 7-8-2021, tài khoản "Trần Khoa” đăng tải một bài viết với nội dung: “bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ bị nhiễm COVID-19 nguy kịch để nhường sự sống cho sản phụ sắp sinh và thực hiện mổ bắt con thành công”.
Trang Facebook được cho là của Thy. Ảnh chụp màn hình
Sau khi đăng tải, câu chuyện gây xôn xao dư luận. Nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền, quà cho nhóm “Nhóm từ thiện 82”, “bác sĩ Trần Khoa”.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận tin báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Thy cùng những người khác thực hiện bằng thủ đoạn đăng các bài viết nhằm gây quỹ từ thiện và nhận tiền từ nhà hảo tâm để trục lợi nên vào cuộc điều tra.
Công an mời làm việc với Thy và những người liên quan. Thy được xác định vừa mới ra trường, làm nghề tự do, ngụ ở Bến Tre.
Công an hiện đang làm rõ người đã tạo tài khoản “bác sĩ Trần Khoa” là ai để phục vụ điều tra.
Hình ảnh cũ được những người dàn dựng sử dụng để lừa đảo. Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, tài khoản này là tài khoản ảo, do ai đó có liên quan đến “Nhóm từ thiện 82” lập nên. Ảnh đại diện là PGS Toh Wei Seong, bác sĩ chuyên khoa Nha khoa đang nghiên cứu, giảng dạy Sinh học tế bào gốc và tái tạo mô, Đại học Quốc gia Singapore.
Hồi tháng 8-2021 sau khi thông tin “bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ bị nhiễm COVID-19 nguy kịch để nhường sự sống cho sản phụ sắp sinh và thực hiện mổ bắt con thành công” được đăng tải, Sở Thông tin và Truyền Thông TP.HCM đã mời các chủ thể đăng ký sử dụng tài khoản “JK”, “HMAĐ” và “NHT” làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan đến bác sĩ ảo này.
Các chủ tài khoản này đã có bản giải trình cho Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.
Theo đó, tài khoản Trần Khoa của “bác sĩ Khoa” có mối tương tác là bạn bè trên mạng xã hội với tài khoản “JK”, “HMAĐ” và “NHT”.
Sau khi tài khoản “bác sĩ Khoa” đăng nội dung rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ thì tài khoản “HMAĐ” và “NHT” vào chia sẻ và tiếp tục viết thêm nội dung. Trong đó “NHT” khẳng định “bác sĩ Khoa” là bạn của mình và đó là câu chuyện có thật.
Tài khoản “JK” cũng đăng lên mạng rằng có nói chuyện với “bác sĩ Khoa” đồng thời rút quỹ quyên góp từ thiện để mua máy thở tặng bệnh viện nơi “bác sĩ Khoa” công tác.
Đến ngày 8-8 thì nick facebook “NHT” đăng tin khẳng định rằng tài khoản “JK” đã tặng máy thở cho bệnh viện nơi “bác sĩ Khoa” công tác.
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông báo: Mời những cá nhân, tổ chức ủng hộ tiền cho Nguyễn Thị Minh Thy, “nhóm từ thiện 82”, “bác sĩ Trần Khoa” đến đội 8 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 - ĐT: 0693.187.244) gặp điều tra viên Trần Văn Trị để cung cấp thông tin.
Trước đó, khuya ngày 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Nội dung là người này đã quyết định “nhường đi chiếc máy thở” của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã “kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này”. Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ nhanh, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của bác sĩ Khoa. Tuy nhiên sau đó cộng đồng mạng tìm kiếm “nhân vật chính” trong câu chuyện, nhưng không có thông tin... Ngày 8-8, trang Web của Trung tâm Báo chí TP.HCM thông tin, Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi kiểm tra, Sở này khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ nhường ống thở của người thân để cứu mẹ con sản phụ là hư cấu. “Tại các bệnh viện của TP.HCM không có việc rút ống thở để nhường cho sản phụ” - Sở Y tế khẳng định. |