Doanh nghiệp

Cơn sốt giá mới 142.000 đồng/kg hồ tiêu, lên đỉnh 8 năm: “Vua tiêu” cảnh báo về giấc mơ vàng đen 1 tấn tiêu bằng 6,5 cây vàng

Tính đến sáng 3/6, giá tiêu tiếp tục tăng từ 2.000 - 3.000 đồng ở nhiều địa phương. Cụ thể, giá hạt tiêu tại Đắk Lắk 138.500 đồng/kg, Đắk Nông 138.300 đồng/kg, Gia Lai 138.000 đồng/kg, Bình Phước 139.000 đồng/kg, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 140.000 đồng/kg….

Tính chung cả tuần qua, giá tiêu tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg lên mức giá cao nhất 8 năm, dao động trung bình 140.000 – 142.000 đồng/kg.

Đáng nói, giá tiêu tăng mạnh nhưng doanh nghiệp không mua được hàng vì nông dân trữ hàng chờ giá tăng thêm. Điều này tạo áp lực lên một số doanh nghiệp phải gom đủ hàng cho đối tác.

Được mệnh danh là "vua tiêu", ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group  – vừa có chia sẻ về giá tiêu và ký ức cơn khủng hoảng giá năm 2015.

Giai đoạn 1 tấn tiêu tương đương 6,5 cây vàng

Ông Thông cho biết, 2024 là một năm hoàn hảo để nhìn lại những huy hoàng và cả những cuộc vật lộn ở trong quá khứ của ngành hàng hạt tiêu.

Trong quá khứ, giá tiêu tại Việt Nam đã có đợt tăng mạnh từ năm 2010 đến đỉnh điểm là năm 2015. Lúc đó, hạt tiêu trở thành ngành tỷ USD và khi giá chạm mốc 230 triệu VND/tấn (năm 2015).

So sánh, giá vàng lúc đó khoảng 35 triệu đồng/lượng và giá USD là 21.350 đồng trên 1 USD; 230 triệu đồng trên 1 tấn tiêu tương đương với 6,5 cây vàng hay 10.700 đô la Mỹ. Đây cũng chính là cội nguồn cho ví von tiêu chính là sản phẩm "vàng đen" lúc bấy giờ.

Được giá, những người trong chuỗi sản xuất tiêu bắt đầu đầu cơ. Theo quan sát của ông Thông, giai đoạn 2015 rất nhiều nông hộ lúc đó còn trữ 3 tấn, 5 tấn tiêu trong nhà, họ kỳ vọng giá tăng lên 250 triệu đồng/tấn mới bán.

Nghịch cảnh xảy ra ngay sau đó, tiêu sau khi đạt đỉnh đã quay đầu giảm không ngừng. Đến năm 2019, giá tiêu chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, "bốc hơi" 85% trong 3,5 năm. Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam lúc đó cũng cao đỉnh điểm, gần 300.000 tấn - một con số kỷ lục khi tăng từ 122.000 tấn (năm 2015).

Điều này đã đẩy nhiều người dân vào cảnh nợ nần, phả sản, nhiều nương rẫy trồng tiêu bị bỏ hoang.

Cơn sốt giá mới 142.000 đồng/kg hồ tiêu, lên đỉnh 8 năm: “Vua tiêu” cảnh báo về giấc mơ vàng đen 1 tấn tiêu bằng 6,5 cây vàng- Ảnh 1.

Ảnh: Nhà máy Vietspice Corporation được xây dựng từ năm 2005, là nhà máy sản xuất tiêu sạch đầu tiên của Phúc Sinh.

Lý do giá tiêu vọt lên 140-142 triệu đồng/tấn

Tiêu là cơ ngơi của nhiều người nên vẫn có hộ gia đình tiếp tục với nghề nuôi trồng hồ tiêu. Sang năm 2020, giá tiêu bắt đầu tăng trở lại trong cơn đại dịch. Cho đến năm 2023, do Brazil tung hàng tồn kho đã kiềm hãm đà tăng của giá tiêu.

Lý giải cụ thể câu chuyện của Brazil, ông Thông cho biết trước năm 2010, Brazil cung cấp sản lượng tiêu rất khiêm tốn. Nhưng sau khi giai đoạn tăng giá từ 2010 đến 2012, nông dân Brazil cũng nhập cuộc trồng tiêu và sản lượng từ chỗ 35.000 tấn, họ tăng tốc lên 100.000 tấn năm 2021 và bắt đầu cạnh tranh dữ dội với Việt Nam cả về số lượng và giá.

Tiêu Brazil thì ít được ưa chuộng trên thế giới và khi Mỹ không hào hứng, rồi các nước châu Âu ngăn chặn nhập khẩu… dẫn đến nghịch lý Việt Nam trở thành nước nhập khẩu lớn nhất tiêu của Brazil.

"Câu hỏi là tại sao một nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% thị phần toàn cầu như Việt Nam lại là nước nhập khẩu lớn nhất của nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới?", đại diện Phúc Sinh đặt vấn đề.

Nguyên nhân, Việt Nam có nhiều nhà máy chế biến hiện đại hơn Brazil và có thể làm tăng giá trị sản phẩm sau chế biến, bán giá cao hơn.

Năm 2023, sản lượng tiêu của Brazil sụt giảm do thời tiết. Thời tiết thất thường của Brazil từ nhiệt độ bình thường 35/38 độ C lên đến 55-60 độ C, hạn hán và nóng bức đã làm một loạt vườn tiêu rộng lớn của Brazil chết khô.

Hệ quả, giá tiêu Brazil từ 3.200 USD/tấn (giá FOB) lên đến 4.700 USD/tấn FOB chỉ trong vòng 3 tháng và tiếp tục ở mức cao. Khách quốc tế chuyển hướng mua tiêu Việt Nam chính là nguyên nhân đưa giá tiêu tăng trở lại.

Giấc mơ "vàng đen" có trở lại?

Theo ông Thông, cây tiêu khó trồng và khó chăm sóc, nếu không được tưới theo chu kỳ và không chăm sóc thường xuyên nó rất dễ chết. Do cơn khủng hoảng hồi năm 2015 khiến nhiều người bỏ bê mảng tiêu.

Tính đến cuối năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm từ thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.

So với giá tiêu hiện tại trong nước là 140.000 – 142.000 đồng/kg, giá vàng là 83 triệu đồng/lượng, giá USD là 25.500 đồng trên 1 USD, thì gần như rất ít người bán tiêu ra thị trường, ông Thông nhận định.

Theo vị này, giá tiêu có thể tiếp tục tăng nữa, và người nông dân có quyền mơ về "giấc mơ vàng đen" còn dang dở song cũng cần nhớ bài trong quá khứ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD/tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm