VEF&PAC&MCH&CCL:
Trong 5 tháng đầu năm 2024, rất nhiều doanh nghiệp "nóng" trên sàn chứng khoán khi cổ phiếu liên tục tăng lên "tầm cao" mới. Thống kê sơ bộ những tên tuổi được chú ý, đà tăng nhìn chung đến từ thay đổi thượng tầng, nhà đầu tư lớn hoặc những cổ phiếu thuộc các Tập đoàn lớn hưởng lợi từ xu hướng ngành.
Thay cổ đông lớn
Đơn cử, chốt phiên giao dịch cuối tháng 5/2024, cổ phiếu GCF của CTCP Thực phẩm G.C (mệnh danh là Vua nha đam) tăng trần lên đỉnh cao 23.400 đồng/cp. So với mức giá 15.000 đồng/cp đầu tháng, GCF đã tăng hơn 60% chỉ sau 1 tháng giao dịch. Đà tăng của mã cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Công ty có sự thay đổi cổ đông lớn.
Trong đó, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) đã bán ra hơn 5,9 triệu cổ phần GCF, chính thức thoái sạch 19,24% vốn tại Công ty này.
Chiều ngược lại, 2 cá nhân đã mua vào đúng số lượng trên trong cùng ngày 17/5/2024. Cụ thể,
+ Bà Nguyễn Thị Minh Tú mua hơn 2,96 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên gần 4,38 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,22%).
+ Ông Quân mua 2,94 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 9,58% vốn.
Sau giao dịch, ông Quân và bà Tú chính thức trở thành cổ đông lớn GCF. Cùng với cổ đông lớn cá nhân khác là ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty – đang nắm giữ 40% cổ phần.
Được mệnh danh là "vua nha đam" nổi tiếng với các sản phẩm về nha đam, tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, Công ty tuyên bố GCF đã và tiến hành thay đổi văn hóa, quy trình vận hành, sản xuất. "Tham vọng của GCF và các công ty con không phải là doanh nghiệp nổi tiếng về sản phẩm nữa mà nổi tiếng về ESG, ứng dụng công nghệ, tăng lợi thế cạnh tranh trong nước và các nước Thái Lan, Malaysia", đại diện cho biết.
Tương tự, mã CCL của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long cũng khép lại phiên 3/6 với mức giá kịch trần 11.300 đồng/cp, thanh khoản tăng mạnh với hơn 2 triệu đơn vị sang tay/phiên.
So với đầu năm, thị giá CCL đã tăng gần 60%. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với số cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Trịnh Sướng - cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần của công ty.
Ngoài ra, CCL cũng xuất hiện nhiều lệnh giao dịch lớn, như Kế toán trưởng Bùi Thị Kim Ngân mua 20.000 cổ phiếu, hay cá nhân bà Trương Bích Đào đã giao dịch 3,5 triệu cổ phiếu – trở thành cổ đông lớn chỉ trong vòng 4 ngày….
Đây không phải lần đầu mã CCL "nổi sóng" trên thị trường. Trong quá khứ, đi cùng các lệnh giao dịch lớn đưa CCL tăng mạnh không ít lần gây chú ý giới đầu tư.
Một cổ phiếu của doanh nghiệp cung cấp pin ắc quy cho VinFast cũng bất ngờ tăng trần không ngừng nghỉ thời gian gần đây. Cụ thể, mã PAC của CTCP Pin Ắc quy Miền Nam chốt phiên với mức giá trần 52.400 đồng/cp, gấp đôi so với đầu năm. Thanh khoản tăng mạnh.
Biến động giá cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh PAC xuất hiện nhiều giao dịch khối lượng lớn. Mới nhất, Công đoàn Công ty đã bán ra 20.000 cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh trên sàn. Thời gian thực hiện từ 11/4-16/4/2024, hiện công đoàn giảm sở hữu còn hơn 2,2 triệu cổ phiếu (tương đương 4,74% vốn).
Trước đó, Chứng khoán Thành Công vừa mua bất thành lượng lớn 7 triệu cổ phiếu.
Theo BCTN 2023, Công ty hiện có 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam với 51,4% vốn và đối tác ngoại là The Furukawa Battery Co., Ltd với 10,5% vốn.
Cổ phiếu MCH của Masan Consumer thực sự "làm mưa làm gió" khi bốc đầu lên vùng giá 203.000 đồng/cp, tăng hơn 118% so với đầu năm.
Masan Consumer xác lập giá trị vốn hóa thị trường 145.654 tỷ đồng – vượt qua CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk để trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.
Bên cạnh thông tin chưa rõ ràng về kế hoạch chào bán vốn, đà tăng của MCH còn đến từ triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng trong năm 2024. Mới đây, Chính phủ thông qua chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Được biết, MCH được ví như "gà đẻ trứng vàng" cho mảng tiêu dùng của Masan. Năm 2023, MCH ghi nhận doanh thu 29.066 tỷ (tăng 3,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận hoạt động kinh doanh 6.521 tỷ (tăng 18,5% so với cùng kỳ).
Kỳ vọng vào câu chuyện kinh doanh lạc quan của doanh nghiệp
Cũng "con cháu" nhà tỷ phú và nằm ở mức giá mơ ước trên 200.000 đồng/cp, mã VEF cả CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) chốt phiên đầu tuần với 223.500 đồng/cp. Thị giá của VEF đã duy trì đà tăng ấn tượng 104% kể từ đầu năm nay, trong khi thanh khoản chỉ ở mức vài nghìn khớp lệnh mỗi phiên.
Với mức giá trên, hiện vốn hóa của VEFAC đã đạt mức 37.235 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Giá trị vốn hóa của công ty này đã gần tiệm cận với TPbank hay FPT Telecom, thậm chí vượt một số tên tuổi nổi tiếng trên sàn như tập đoàn Bảo Việt, PNJ, OCB, PV Power, REE, Khang Điền...
VEFAC được biết đến là công ty con của Vingroup (mã chứng khoán VIC), do tập đoàn này sở hữu hơn 83% vốn. Đà tăng của VEFAC diễn ra sau thông tin vào tháng 5/2024, doanh nghiệp này đã UBND thành phố Hà Nội giao hơn 252 ha đất đã GPMB để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh). Dự án này có tổng diện tích hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 34.000 tỷ đồng.
Bộ ba nhà FPT gồm mã FPT của Tập đoàn FPT, FOX của CTCP Viễn thông FPT và FRT của FPT Retail đều đã lên đỉnh cao lịch sử. Trong đó, FPT và FOX tăng mạnh nhờ những kỳ vọng của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Khi cả thế giới đang trong một cuộc chạy đua về công nghệ, AI hay bán dẫn thì các doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Còn FRT, hưởng lợi từ chính sách VAT mới, thị giá đã có lúc lên đỉnh cao với 175.000 đồng/cp. Kể từ đầu năm cho tới nay, thị giá của FRT đã tăng 64% và tăng hơn 200% so với thời điểm một năm về trước.
Thực tế, mã FRT đã có những bước tăng trưởng liên tục một năm trở lại đây. Đi cùng với những tín hiệu kinh doanh tốt của mảng dược, sự mở rộng sang mảng vắc xin và mạng di động ảo, thị giá FRT liên tục phá đỉnh. Đà tăng hơi phần "kỳ lạ" của FRT khiến chính bản thân người trong cuộc cũng khó hiểu. Khi, động lực từ Long Châu là có, song tình hình kinh doanh chung vẫn còn nhiều thử thách bởi thị trường ICT.
Đà tăng của FRT diễn ra trong bối cảnh "cá mập" Dragon Capital liên tục mua bán, thay đổi sở hữu tại Công ty. Mới nhất, vào ngày 22/5, tổ chức này mua vào 50.000 cổ phiếu FRT để nâng tỷ lệ sở hữu lên 10%. Tuy nhiên, ngay hôm sau, Dragon Capital lại bán ra 62.000 cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 9,9%.