Thời sự

Con số lạm phát bị nghi ngờ tính chính xác, các chuyên gia nói gì?

Theo cảm nhận của nhiều người dân, số liệu công bố và mức tăng giá cả thực tế trong 6 tháng đầu năm nay có sự chênh lệch khá lớn và đặt ra câu hỏi về tính chính xác của chỉ số thống kê. Số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê cho biết trong nửa đầu năm 2022, chỉ số tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ trong khi áp lực từ nhiều phía đang gia tăng: giá xăng dầu, lạm phát nhập khẩu. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng muốn phản biện lại về tính chính xác của con số này cầnchứng minh một cách cụ thể không chỉ CPI mà tốc độ tăng giá từng mặt hàng có đúng hay không.

Về mặt pháp lý hiện nay, Tổng cục Thống kê đang là đơn vị ban hành các số liệu về kinh tế vĩ mô của đất nước. "Nếu không có cơ sở mà chỉ dựa trên cảm nhận của các cá nhân thì không có căn cứ", TS. Long nhìn nhận.  

Gần 700 mặt hàng có trong rổ hàng hoá CPI

Phân tích rõ hơn về cách tính CPI, TS. Ngô Trí Long cho hay hiện có ba cách thống kê đang được áp dụng. Thứ nhất là cách tính liên hoàn, tức là tháng sau so với tháng trước; cách thứ hai là so với thời kỳ định mốc (VD đều so với tháng 1) và cách tính tốc độ tăng giá bình quân.

Phương pháp thứ 3 cũng là phương pháp tính mới bây giờ. Cơ quan thống kê sẽ tính tốc độ tăng giá bình quân của 6 tháng đầu năm là bao nhiêu, sau đó tính tốc độ bình quân. Đây là thông lệ thống kê quốc tế.

 Đồ hoạ: Justin Bui.

"Với quyền số trong rổ hàng hoá, Việt Nam hiện có gần 700 quyền số tương ứng với gần 700 mặt hàng khác nhau, mà tỷ trọng của từng mặt hàng cứ 5 năm lại điều tra 1 lần", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho hay.

Số liệu đang được sử dụng là số liệu đã được điều tra trong giai đoạn 2015 - 2020. Đây là căn cứ để tính giai đoạn 2021 - 2025 và kết thúc 5 năm sẽ tính lại 1 lần, TS. Long cho biết. Vì vậy, để khẳng định tính chính xác của số liệu thống kê, ông Long đề xuất nên có một cơ quan độc lập vào cuộc cứ không thể xuất phát từ cảm quan của mỗi người.

"Để phản biện, cần có một cơ quan độc lập để xác định xem số liệu thống kê có chính xác hay không, tốc độ tăng giá bình quân 6 tháng đầu năm là 2,44% đã chính xác hay chưa, hay từng mặt hàng giá đã phản ánh đúng với thị trường hay chưa?", ông nói.  

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, việc áp dụng gần 700 quyền số để tính CPI vẫn chưa phản ánh hết được giá cả và chi tiêu của người dân. "Có hàng nghìn mặt hàng tác động vào cuộc sống của người dân, cuộc sống càng hiện đại thì càng phát sinh ra nhiều chi phí và mặt hàng khác nhau", ông Phú nói.

Đồng thời, vị này cũng cho rằng giá cả tăng lên tuy không tác động nhiều đến tầng lớp trung lưu và người giàu nhưng tác động rất lớn đến người lao động thu nhập thấp.

"Xăng tăng 5-10.000 đồng thì người có thu nhập cao họ cũng chẳng để ý, chỉ có những người lao động, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xăng dầu là khổ nhất", ông Phú nêu vấn đề.

Cách tính CPI là phù hợp với thông lệ quốc tế

Trước đó, Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết phương pháp tính CPI hiện tại đã được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của quốc tế và thông lệ của quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng phương pháp tính CPI hiện nay đã phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại diện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của GSO trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, việc kiểm soát chất lượng thông tin thống kê được Luật hóa bằng Luật Thống kê năm 2015 và được kiểm soát bằng những biện pháp kỹ thuật. Với góc nhìn đa chiều, kết quả tính toán GDP dù ở thời điểm nào cũng phải tuân theo các quy định cụ thể, chặt chẽ về phương pháp luận và đảm bảo logic, phù hợp với thực trạng kinh tế của Việt Nam.

Những yếu tố tác động làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm

Giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Những yếu tố tác động làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm:

Bên cạnh đó, một số yếu tố đã giúp kìm giữ CPI 6 tháng ở mức 2,44%.

Cụ thể là giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.

Giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm