Là người làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn và phát triển bình thường. Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn có vô số những việc làm của các bậc phụ huynh tưởng không ảnh hưởng gì nhưng lại khiến con bạn đối mặt nguy cơ dậy thì sớm.
1. Chế độ ăn quá nhiều đạm động vật
Theo Ths.BS Vũ Hiền Trinh, Trưởng khoa Nội tiết Sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trẻ có chế độ ăn quá nhiều đạm động vật thường dậy thì sớm.
Việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ là cực kỳ quan trọng giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường, tuy nhiên, nếu để trẻ ăn uống không khoa học sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình phát triển ở trẻ nhỏ. Ths.BS Vũ Hiền Trinh cho biết, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ:
Ở bé gái: Nếu trẻ thiếu dinh dưỡng thì thường dậy thì muộn, nhưng ngược lại, nếu trẻ béo phì thì vú thường phát triển sớm và có hành kinh sớm. Thông tin trên được đưa ra sau một nghiên cứu thực hiện tại Vương Quốc Anh trên những trường hợp bé gái tăng cân nhanh trong năm đầu đời liên quan với béo phì và dậy thì sớm.
Ở trẻ trai: Những tác động của tình trạng thiếu dinh dưỡng tới thời điểm dậy thì ít được chú ý.
2. Cho trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm sớm hay hóa chất độc hại
Đây được cho là một trong những hành động tiếp tay cho việc dậy thì sớm ở trẻ của các bậc phụ huynh. Nhiều bố mẹ vô tư cho con cái dùng son phấn hay sơn móng tay quá sớm vì tin vào các sản phẩm được các nhãn hàng quảng cáo là cực kỳ an toàn, có thể dùng cho cả trẻ nhỏ.
Ảnh: Internet
Trên thực tế, điều này là không nên. Cho dù đó là hàng chất lượng tốt hay xấu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không rõ ràng... thì bạn cũng không nên để trẻ tiếp xúc và sử dụng thường xuyên bởi sau một thời gian nhất định có thể sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, Ths.BS Vũ Hiền Trinh cũng cảnh báo rằng những chất có chứa estrogen hoặc có hoạt tính kháng androgen: estrogen thực vật (trong đậu nành, hạt lanh và một số loài cây) có thể làm vú phát triển sớm ở bé gái. Một số loại kem dưỡng da, mỹ phẩm có thành phần này cũng có thể gây ảnh hưởng.
Ngoài nguyên nhân dậy thì sớm do dinh dưỡng và hóa chất độc hại nên trên, Ths.BS Vũ Hiền Trinh cũng nêu ra một số nguyên nhân thường gặp khác dẫn đến việc dậy thì sớm ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần nắm rõ để bảo vệ con trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm
1. Nguyên nhân thường gặp
- Suy giáp, tình trạng tuyến giáp không sản sinh đủ hormone
- Hội chứng McCune-Albright – một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến xương, da và nội tiết tố
- Hormone tuyến thượng thận hoặc tuyến yên tiết ra estrogen hoặc progesterone
- Tiếp xúc với các loại kem thoa chứa estrogen và progesterone
- Khối u buồng trứng, u nang buồng trứng.
- Có khối u trong não hoặc tủy sống hoặc tổn thương ở các cơ quan của hệ thần kinh trung ương
- Chịu tác động của bức xạ lên não và tủy sống
- Có các dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh trung ương như khối u hoặc có ứ đọng dịch lỏng dư thừa
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh (một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp do rối loạn tổng hợp hormone vỏ thượng thận)
- Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái như: Tiếp xúc với hormone giới tính dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ; Tiêu thụ một số chất làm tăng nguy cơ dậy thì sớm; Béo phì; Do xạ trị...
2. Ảnh hưởng từ thời kỳ mang thai
Các tác động tới trẻ ở giai đoạn còn trong bụng mẹ (trước sinh) và môi trường sau sinh ảnh hưởng tới việc dậy thì ngày càng được nhận thấy rõ rệt.
Trẻ chậm phát triển trong tử cung hoặc sơ sinh nhẹ cân thường bị tăng nguy cơ kháng insulin, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch… Một số trẻ sơ sinh nhẹ cân có tình trạng tăng nồng độ androgen thượng thận và dậy thì sớm.
3. Dậy thì sớm do di cư
Thống kê tại châu Âu: trẻ di cư từ những vùng chậm phát triển sang những đất nước có kinh tế phát triển có tỉ lệ dậy thì sớm cao hơn, đặc biệt trẻ gái.
Nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp của dinh dưỡng được cải thiện và điều kiện kinh tế xã hội.
Nguồn: Mạng xã hội Lotus