Đối với trẻ, gia đình chính là môi trường quan trọng nhất. Trẻ sẽ không thể lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần nếu như không được cha mẹ yêu thương, không cảm nhận được tình thân ấm áp giữa các thành viên trong gia đình.
Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc đã khiến nhiều cha mẹ phải suy nghĩ. Cô bé Tiểu Miêu là con một trong nhà. Thế nhưng cha mẹ lại không dành cho em đầy đủ tình yêu thương. Vì bận rộn nên bố mẹ của Tiểu Miêu thường xuyên đưa con cho ông bà chăm sóc. Khi nhìn những đứa trẻ khác được bố mẹ đưa đón đến trường, Tiểu Miêu rất tủi thân. Có lần, cô bé hỏi sao cha mẹ không dành nhiều thời gian cho mình.
Nghe con hỏi, mẹ Tiểu Miêu nói: "Mẹ cũng muốn ở bên Miêu Miêu, nhưng bây giờ ba mẹ phải cố gắng hơn nữa, để sau này Miêu Miêu có thể sống tốt hơn".
Chứng kiến bố mẹ cãi nhau có thể khiến trẻ gặp phải bóng đen tâm lý. (Ảnh minh họa)
Tiểu Miêu không chấp nhận lời giải thích của mẹ và vặn lại: "Con thấy cuộc sống bây giờ rất tốt, con chỉ muốn bố mẹ ở nhà với con nhiều hơn". Tuy nhiên mẹ Tiểu Miêu không làm được điều đó mà chỉ dỗ dành sẽ cho cô bé đi chơi vào cuối tuần.
Ngoài việc ít dành thời gian cho con, bố mẹ Tiểu Miêu còn có một nhược điểm nữa là rất hay cãi nhau. Đặc biệt, những lần hiếm hoi ở nhà, cặp vợ chồng này đều cãi vã vì những điều nhỏ nhặt. Điều này càng khiến Tiểu Miêu không cảm thấy tình cảm gia đình, lúc nào cũng thấy thiếu sự an toàn.
Để được bố mẹ quan tâm hơn, Tiểu Miêu đã nảy ra một ý tưởng. Mỗi lần bố mẹ ở nhà, cô bé đều giả vờ ốm. Chỉ bằng cách này, bố mẹ mới có thể quan tâm và dành thời gian nhiều hơn cho Tiểu Miêu.
Tuy nhiên cách này cũng không thể kéo dài lâu. Lúc đầu Miêu Miêu kêu đau bụng, bố mẹ em nghĩ con ăn phải đồ mất vệ sinh. Nhưng sau nhiều lần họ thấy chuyện không đơn giản như vậy nên quyết định đưa con đi viện khám sức khỏe tổng quát.
Sau khi làm nhiều loại kiểm tra, bác sĩ nói với cha mẹ Tiểu Miêu: "Cơ thể cháu bé rất khỏe mạnh, thậm chí còn khỏe hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nguyên nhân khiến cháu đau bụng thực ra là bệnh tâm lý, do cháu thấy bố mẹ thuờng cãi nhau. Tôi nghĩ nếu muốn chữa khỏi bệnh đau bụng thì bố mẹ phải ở bên cháu nhiều hơn".
Chẩn đoán của bố mẹ Tiểu Miêu giật mình, bật khóc nghĩ về quãng thời gian xao nhãng con cái vừa qua. Cả hai sau cũng suy nghĩ về việc thay đổi lối sống, không cãi vã và quan tâm hơn đến con cái nhiều hơn.
Thực tế, việc cha mẹ bỏ bê, lại còn thường xuyên cãi vã trước mặt con sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Trẻ sẽ bị bóng đen tâm lý ám ảnh.
Cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt trẻ. (Ảnh minh họa)
1. Dễ khiến cảm xúc của trẻ trở nên tiêu cực
Nếu trẻ thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau, cảm xúc của trẻ sẽ dần trở nên tiêu cực. Vì trong suy nghĩ của trẻ, bố mẹ cãi nhau là do không còn yêu nhau nữa. Hơn nữa, trong quá trình cãi vã có thể xảy ra mâu thuẫn ngôn ngữ gay gắt, thậm chí mắng chửi nhau. Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và buồn bã, thậm chí không còn tin tưởng vào gia đình mình, điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này của trẻ.
2. Dễ khiến trẻ bắt chước
Khả năng bắt chước của trẻ rất mạnh. Thông thường ở nhà, hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên cãi vã trước mặt con cái, theo thời gian, trẻ sẽ cho rằng cãi nhau là một lẽ bình thường trong cuộc sống. Sau khi đứa trẻ kết hôn và lập gia đình riêng, trẻ cũng có thể bắt chước cha mẹ và cãi nhau với vợ/chồng trước mặt con cái mà không cảm thấy rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu.
3. Dễ khiến trẻ cáu kỉnh
Một phần lớn tính cách của trẻ được hình thành do môi trường tiếp thu. Một số trẻ dần trở nên cáu kỉnh, có thể là do cha mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí "động tay động chân" trước mặt trẻ.
Nó sẽ khiến trẻ cảm thấy rằng loại hành vi bạo lực này là cách tốt nhất để giải quyết mọi việc. Một khi đã hình thành ý thức như vậy, nếu gặp vấn đề nào đó, trẻ sẽ thường xuyên mất bình tĩnh, thậm chí dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ không kiểm soát, trẻ sẽ hình thành tính cách hung bạo.