Chứng khoán

Các CTCK rục rịch tổ chức họp cổ đông 2023, những thách thức kinh doanh nào được đặt ra trong mùa đại hội?

Nhiều CTCK thông báo kế hoạch tổ chức đại hội

Theo tổng hợp của phóng viên, tính tới ngày 8/2, có gần 10 đơn vị thông báo kế hoạch đại hội đồng cổ đồng thường niên 2023. Đa phần công ty tổ chức bắt đầu từ tháng 3. Về phương thức, sau giai đoạn gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các đơn vị trở lại họp trực tiếp thay vì trực tuyến như trước đây.

Đơn cử, Chứng khoán MB (Mã: MBS) chốt ngày đăng ký cuối cùng tham gia họp đại hội đồng cổ đồng vào ngày 14/2. Thời gian và địa điểm thực hiện sẽ được công ty thông báo sau tới các cổ đông. Năm 2022, MBS là một trong những đơn vị thông báo tổ chức chốt quyền tham dự họp sớm nhưng sau đó hủy danh sách người thực hiện quyền và lùi lịch tổ chức đại hội.

CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Mã: VIG) chốt ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là 23/2. Thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 23/3 tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 24/2 sẽ là ngày cuối cùng đăng ký tham gia đại hội cổ đồng năm 2023 của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (Mã: CSI). Công ty sẽ tổ chức sự kiện vào ngày 7/4 tại Hà Nội. Đại hội sẽ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, kế hoạch phân phối lợi nhuận và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Cũng chốt quyền trong tháng 2, Chứng khoán FPT (Mã: FTS) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/2 và tổ chức đại hội vào ngày 28/3 tại trụ sở công ty tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đây là địa điểm được công ty lựa chọn tổ chức đại hội trong nhiều năm liền.

Có phần sớm hơn các CTCK trên, CTCP Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt chốt ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 2/2 và tổ chức ngày 15/3 tại Hà Nội. Nội dung đại hội hướng tới việc kiện toàn nhân sự Hội đồng Quản trị sau khi ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Nhóm công ty có trụ sở phía nam, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, Mã: VCI) thông báo ngày cuối cùng chốt quyền tham dự đại hội năm nay vào ngày 1/3. Công ty dự kiến tổ chức vào 14h00 ngày 30/3 tại khách sạn Sheraton Saigon, Quận 1, TP HCM. Nội dung của cuộc họp chưa được công ty thông báo. Lịch tổ chức này của công ty tương tự như năm ngoái.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS) có ngày đăng ký cuối cùng và tổ chức là ngày 6/3 và 6/4. Địa điểm tổ chức được Rồng Việt thông báo sau. Nội dung cuộc họp xoay quanh các nội dung như kế hoạch kinh doanh năm 2023 và kết quả năm 2022, báo cáo của HĐQT, BGĐ, báo cáo tài chính riêng.

 Đại hội cổ đông chứng khoán MB (MBS) năm 2022. Ảnh: LH.

Những câu hỏi nào đặt ra trước mùa đại hội?

Trên đây là lịch đại hội của các công ty chứng khoán, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật lịch tổ chức của các công ty để nhà đầu tư có thể theo dõi. Trở lại với câu chuyện của mùa đại hội cổ đông năm nay.

Trong hai năm trước đó, tăng vốn là chủ đề nóng nhất của nhóm chứng khoán. Các công ty chạy đua tăng vốn để đáp ứng nhu cầu về margin của nhà đầu tư, hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Hình thức tăng vốn của các công ty đa dạng như phát hành cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, chào bán riêng lẻ.

Sau giai đoạn chạy đua tăng vốn, tính đến thời điểm cuối năm 2022, thị trường có ba đơn vị đạt mức vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng là Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán VPBank (VPBankS).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vốn không phải là vấn đề được thị trường đặc biệt quan tâm khi nhu cầu vay margin ngày một hạ nhiệt.

Quan sát kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022, kế hoạch kinh doanh mới là điểm nóng mùa đại hội năm nay của các công ty chứng khoán. Trong năm qua, việc thị trường lao dốc, thanh khoản suy giảm, giá chứng khoán trong danh mục tự doanh giảm sâu khiến nhiều công ty không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, thậm chí thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Tại mùa đại hội 2022, các công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh với kịch bản thanh khoản quanh 30.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế thanh khoản cuối năm chỉ còn quanh 10.000 tỷ đồng khiến doanh thu mảng môi giới tụt dốc.

Bên cạnh các khía cạnh trên, thị trường thiếu vắng đi các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới mảng tư vấn của các đơn vị.

Trước những thách thức trên và bức tranh kinh doanh kém sắc của năm 2022, nhà đầu tư đặt ra câu hỏi các công ty chứng khoán sẽ hành động như thế nào và đặt mục tiêu kinh doanh ra sao trong năm nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm