Kỹ năng sống

Con gái dạy mẹ chạy xe phân khối lớn đi phượt

Trong chuyến đi xa đầu tiên cách đây một năm, nhờ sự hướng dẫn của con gái, bà Kim Nguyệt đã tự tin lái chiếc Suzuki GSX R150 vượt những con đèo hay khúc cua hiểm trở từ TP HCM lên Đà Lạt và ngược lại, trên quãng đường hơn 600 km.

"Những lúc ôm cua hay đổ đèo, Thư đã dạy tôi cách nhìn xa hơn về hướng định rẽ để quan sát, thay chỉ nhìn về phía trước một đoạn ngắn như chạy trong thành phố", bà Nguyệt, 54 tuổi, một thợ may áo dài tại huyện Bình Chánh nói.

Sau chuyến đi này, bà Nguyệt cùng con gái lên kế hoạch tập luyện nhiều hơn, để cuối năm nay thực hiện chuyến đi xuyên Việt cùng nhau bằng xe phân khối lớn từ TP HCM ra Hà Nội rồi lên vùng Tây Bắc.

Dù vậy, sự đồng thuận này không phải có từ 7 năm trước - khi Võ Huyền Thiên Thư bắt đầu luyện kỹ năng lái và tập đua xe.

Nhớ lại ngày tháng đó, cô gái sinh năm 1989, hiện là người hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn và đào tạo vận động viên đua xe chuyên nghiệp cho hay: "Tôi từng bị mẹ đuổi ra khỏi nhà vì theo đuổi công việc mà bà nghĩ chỉ phá làng, phá xóm".

Võ Huyền Thiên Thư hướng dẫn mẹ kỹ năng lái xe an toàn tại trường đua, tháng 4/2023 trước khi bà Kim Nguyệt thi lấy bằng A2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Võ Huyền Thiên Thư hướng dẫn mẹ kỹ năng lái xe an toàn tại trường đua, tháng 4/2023 trước khi bà Kim Nguyệt thi lấy bằng A2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là con gái cả trong ba chị em gái, Thiên Thư được mẹ định hướng học thiết kế thời trang để nối nghiệp gia đình. Vốn là cô gái năng động, hướng ngoại nên khi còn là sinh viên, Thư làm thêm nghề dẫn chương trình.

Bảy năm trước, một lần đang đi trên đường, Thư vô tình thấy khá nhiều xe côn tay 150 cc của hãng Yamaha. Muốn được thử cảm giác ngồi trên chiếc xe đầy nam tính, cô dùng tiền tiết kiệm để mua, mặc mẹ không đồng tình bởi cho rằng "con gái ngồi xe côn mất sự nữ tính".

Từ ngày đổi xe, đam mê thử nghiệm các cung đường bỗng trỗi dậy. Năm 2017, cô rủ em gái đi phượt từ TP HCM ra Đà Nẵng, nhưng càng đi càng ham, nên họ chạy một mạch tới tận Hà Nội.

Hai chị em xuất phát từ mùng 4 Tết và có mặt tại Thủ đô vào ngày mùng 6. Hành trình 1.850 km được thực hiện theo kiểu "mệt thì nghỉ, đói thì ăn, buồn ngủ thì dừng". Từ Hà Nội, họ bắt đầu hành trình rong ruổi, khám phá ngược trở lại vào Sài Gòn trong một tuần.

Sau chuyến đi này, Thiên Thư biết tới bộ môn kỹ năng lái xe từ bạn bè. Họ thường tập luyện mỗi tuần tại các khoảng đất trống trong thành phố. Còn với những kỹ năng chuyên sâu, tốc độ hơn cả nhóm lại tìm đến trường đua. Tham gia cùng, Thư ngay lập tức phải lòng những "chiến binh" mô tô đầy mạnh mẽ, uy lực và phong cách như Yamaha R3, KTM RC 390, Honda CB650, Honda CBR 1000RR-R.

Cuối năm 2017, Thư cùng vài người bạn kết hợp lập nhóm chuyên dạy kỹ năng lái xe an toàn. Nhận thấy đây là công việc tiềm năng, vừa có thể thỏa đam mê tốc độ, vừa có thu nhập, cô nói chuyện với mẹ về việc nghỉ làm thiết kế thời trang cũng như dẫn chương trình để chuyên tâm cho công việc mới.

Sau khi nghe con trình bày, việc đầu tiên bà Kim Nguyệt làm là vơ hết quần áo của Thiên Thư vào vali, yêu cầu cô rời khỏi nhà.

"Học đại học xong lại bỏ bằng. Con gái con lứa có ai đi làm cái nghề chẳng mang lại ích lợi gì như thế không", người mẹ mắng con. Bà hình dung cảnh con gái nẹt pô, phóng nhanh vượt ẩu để "lấy le, khoe ngầu" ở ngoài đường. Dù trước đó Thiên Thư đã giải thích, cô chỉ mê xe, mê đường đẹp với tốc độ trường đua hợp pháp và luôn tuân thủ luật giao thông.

Dọn ra ngoài ở nhưng ngày nào cô con gái cũng về nhà gặp mẹ nói chuyện. Nhưng cứ nhìn thấy con, bà Nguyệt lại đứng dậy bỏ đi. Thiên Thư cố gắng làm việc nhà để mẹ vui. Sau hai tháng cự tuyệt, bà Nguyệt không còn lảng tránh, nhưng vẫn không phản ứng gì khi nghe Thư nói cả tiếng về xe phân khối lớn.

Có lần tập luyện, Thiên Thư ngã bất tỉnh phải đưa vào viện cấp cứu. Nhận cuộc gọi từ trợ lý của con, bà Nguyệt tức tốc lao đến nhưng tới nơi lại ra vẻ lạnh lùng, thậm chí bác sĩ còn thắc mắc vì sao con gặp tai nạn mà người mẹ vẫn tỉnh queo.

"Nó có sức chơi thì có sức chịu. Nó đau chứ tôi đâu có đau", bà nói. Về sau bà mới giải thích lúc đó chỉ sợ nếu bản thân không cứng rắn, Thư lại nghĩ mẹ dễ mềm lòng mà chấp nhận công việc đó.

Sau hơn bốn năm thuyết phục, người mẹ mới dần thông cảm cho công việc của con gái. Bà Nguyệt hiểu rằng, thực chất công việc này không gây hại cho xã hội như suy nghĩ ban đầu, mà có thể rèn luyện được sức khỏe, sức bền cũng như kỹ năng lái xe an toàn hơn cho người theo đuổi. Thiên Thư dù đam mê tốc độ nhưng là tốc độ an toàn và lái ở những khu vực được cho phép. Dần dà, mỗi lần thấy con gái về nhà với thương tích trên người, bà đã chủ động mua bông băng và thuốc xử lý vết thương, thay vì mặc kệ như trước.

Hai mẹ con bà Kim Nguyệt và Thiên Thư trong chuyến đi phượt Đà Lạt bằng xe mô tô phân khối lớn, cuối tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai mẹ con bà Kim Nguyệt và Thiên Thư trong chuyến đi phượt Đà Lạt bằng xe mô tô phân khối lớn, cuối tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một năm trước, biết mẹ thích du lịch Đà Lạt, Thư rủ bà học chạy xe phân khối lớn để hai mẹ con cùng đi phượt.

Trong những buổi học cùng con, bà thường mặc bộ quần áo bảo hộ bó sát, đầu đội nón bảo hiểm kín mít chinh phục chiếc mô tô nặng trịch. Cũng giống nhiều học viên khác, Thư để mẹ điều khiển xe một vòng sau đó chỉ những lỗi sai và hướng dẫn khắc phục.

Từ những bài dạy của Thư, người mẹ hiểu mỗi khi điều khiển xe nên ngồi cách bình xăng một khoảng để tránh cơ thể tì vào gây đau. Rồi lúc chạy đường dài, để tránh gây nhức mỏi, cánh tay phải được thả lỏng. Bà Nguyệt cũng học cách không dùng gót làm trụ ở thanh gác mà nên trụ bằng mũi chân hoặc phần giữa bàn chân. Ở các khúc cua cong tay áo cần phải học kỹ năng chống chân, thế ngồi ôm cua và nhận biết những đoạn đường nguy hiểm để giữ an toàn cho mình cũng như người khác.

Sau khi luyện tập ở trường đua, để có thể ra đường, người phụ nữ này đã thi bằng A2 và dành trọn 100 điểm.

Tháng 4/2023, hai mẹ con lên kế hoạch đi phượt đến Đà Lạt - hành trình mà người phụ nữ 54 tuổi thú nhận: "Lần đầu tận mắt nhìn thấy những con đèo uốn lượn và rừng thông tuyệt đẹp hai bên đường, điều mà đi xe khách tôi chưa từng để ý tới".

Sau chuyến này họ tiếp tục cùng nhau đi phượt ở những địa danh khác như Vũng Tàu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Những chuyến ngao du khắp nơi trên chiếc xe phân khối lớn cùng con gái không chỉ giúp bà Nguyệt thử được sức bền cũng như kỹ năng lái xe, mà còn được tự do khám phá những vùng đất mới.

"Giờ tôi có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn, bất cứ lúc nào tôi thích. Thiên Thư từng nói: ‘Mẹ ơi, mẹ đã trở thành một thanh niên rồi!’. Và tôi nói với con: "Nhờ con, mẹ đã tìm thấy đam mê mới ở tuổi xế chiều".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm