Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) có thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa của ngân hàng SHB (mã chứng khoán SHB) từ 10% lên 30%. Thời gian điều chỉnh là ngày 4/3/2022.
Động thái nới ''room'' ngoại của SHB diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này là khá thấp so với các nhà băng khác, chỉ ở mức trên 3,3% vào ngày 4/3.
Cùng với SHB, mới đây ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - VPB) cũng mới có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh room ngoại lên từ 15% lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Ngân hàng SHB nới room ngoại lên mức tối đa 30%
Trước đó, vào tháng 8/2021, ngân hàng SHB của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.
Trong đợt phát hành gần nhất, SHB đã chào bán thành công hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức hơn 26.674 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng cũng đã hoàn tất phát hành hơn 202 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 10,5%.
Cùng với động thái nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, SHB dự kiến cũng sẽ có sự thay đổi trên băng ghế lãnh đạo tại Đại hội đồng thường niên 2022 diễn ra vào ngày 20/4 tới đây.
Dù nội dung cuộc họp chưa được công bố. Tuy nhiên, trước đó, ngân hàng đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 31/12 để thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến để bầu thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Hiện tại, Hội đồng quản trị của SHB gồm 7 thành viên và do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch. Ngoài chức vụ tại SHB, ông Hiển cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Chủ tịch CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Như vậy, trong nhiệm kỳ mới, doanh nhân Đỗ Quang Hiển sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại ngân hàng SHB hay Tập đoàn T&T và các công ty khác.
Theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, ngân hàng SHB đã bầu xong thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, vì vậy, ông Hiển vẫn đang đương nhiệm cả chức Chủ tịch SHB lẫn Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho đến hết nhiệm kỳ.