Em Lý Tiểu Uyển (Trung Quốc) tuy không phải là học sinh thông minh nhất nhưng với sự động viên của cha mẹ đã rất chăm chỉ học tập. Kết quả, Tiểu Uyển được nhận vào các trường danh tiếng ở cả cấp 2 và cấp 3.
Chỉ là trong một ngôi trường danh giá, xung quanh Tiểu Uyển là những học sinh ưu tú, điều này khiến em cảm thấy rất nhiều áp lực. Trong bài kiểm tra cuối kỳ, tổng điểm của nữ sinh này là 502, xếp thứ 264 toàn trường, em rất chán nản và mong cải thiện điểm số. Cha mẹ muốn cho con đi học thêm, nhưng lại sợ rằng con quá sức.
Cuối cùng, cha mẹ đã hỗ trợ Tiểu Uyển xây dựng một kế hoạch học tập tích cực. Nhờ tiếp thu nhanh và có khả năng tự học tốt, nữ sinh ấy đã cải thiện thành tích học tập của mình trong kỳ thi thứ hai. Ví dụ, điểm Vật lý đã tăng từ 62 lên 85, đây là một sự thay đổi rất lớn.
Trong bài kiểm tra gần nhất, tổng điểm của Tiểu Uyển đạt hơn 600 điểm, xếp thứ 186 toàn trường. Với kết quả khả quan, nữ sinh hy vọng sẽ tiếp tục duy trì số điểm tốt như vậy và đạt được ước mơ chạm tới mốc 650 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Ảnh minh họa
Sự tiến bộ của Tiểu Uyển rõ ràng không tách rời sự động viên của cha mẹ. Phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau, nhưng rõ ràng, dù là cách nào thì chỉ khi không ngừng nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ, có kế hoạch học tập rõ ràng, trẻ mới có thể nắm bắt mọi cơ hội để tiến bộ.
Theo cô giáo Lý, giáo viên chủ nhiệm lâu năm ở một trường tiểu học ở Thượng Hải (Trung Quốc), con cái của hai gia đình sau dù không đi học thêm cũng dễ dàng trở thành "cao thủ học thuật", mấu chốt nằm ở cách cha mẹ hướng dẫn và ứng xử với con!
1. Cha mẹ khuyến khích con cái
Sau khi đi học một số em dễ sinh ra chán nản, trầm cảm. Đối mặt với những vấn đề thực tế này, nhiều bậc cha mẹ thương con nên chọn cách buông xuôi với tâm lý "học được chừng nào thì học".
Nhưng cô giáo Lý đã chỉ ra rằng: chăm chỉ mới có hy vọng thành công. Cô khuyến khích phụ huynh phải luôn kiên quyết động viên con. Với sự định hướng đúng đắn của thầy cô và cha mẹ cùng sự nỗ lực không ngừng, sớm muộn gì điểm số của con cũng sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu động viên con cái chỉ nói “cố gắng đi con", lâu dần trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác cha mẹ chiếu lệ, không thật lòng quan tâm, kỳ vọng, đương nhiên sẽ không có nhiều động lực. Vì vậy, cha mẹ hãy sử dụng những biện pháp động viên linh hoạt và hiệu quả:
Làm gương: Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường có bầu không khí học tập mạnh mẽ thường có hứng thú học hành. Cha mẹ và con hãy cùng học với nhau. Trẻ mới đến trường tính tự giác kém, cha mẹ có thể cùng con đọc sách một lúc, kèm con làm bài tập, kịp thời giúp con sửa sai. Nhưng vai trò của phụ huynh nên dừng ở mức hướng dẫn và hỗ trợ. Nếu bài tập quá khó, bố mẹ có thể gợi ý cách giải, nhưng đừng làm từ đầu đến cuối.
Bắt đầu từ một lĩnh vực yêu thích nào đó để kích thích hứng thú học tập của trẻ: Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, cha mẹ có thể sử dụng điều này để nuôi dưỡng hứng thú học tập và tính kiên trì của trẻ, từ đó đạt được kết quả tốt hơn. Đưa con đến công viên, nhà sách hoặc bảo tàng khoa học. Nó có thể kích thích trí tò mò và khao khát tiếp thu kiến thức của trẻ, đồng thời nâng cao hứng thú học tập.
Nếu con bị điểm kém, bạn nên bắt đầu phân tích xem con còn thiếu sót ở đâu để có thể cải thiện điểm số trong kỳ thi tới. Cùng con phân tích những điểm ưu - nhược trong từng môn học, rồi để con suy nghĩ nên làm gì và cần thay đổi phương pháp học tập ra sao.
2. Gia đình có phương pháp học tập hiệu quả
Cô giáo Lý cho rằng, việc học tập hiệu quả có thể khiến trẻ em đạt được kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực. Ngay cả khi đứa trẻ không đi học thêm, vẫn có thể đạt điểm cao và dễ dàng trở thành học sinh giỏi.
Có rất nhiều phụ huynh "ép" con em mình học tập liên tục, điều này sẽ tạo ra sự mệt mỏi, áp lực quá giới hạn. Cần cho các em có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những quãng thời gian học tập căng thẳng trên lớp, lúc đó dù học ít nhưng hiệu quả nhận được lại nhiều hơn. Điều thứ hai là không gian học tập cần chuẩn bị kỹ càng, yên tĩnh tránh bị làm phiền để dễ tập trung.
Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ cách vạch ra những thứ quan trọng, không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi làm bài tập về nhà, trẻ cần lưu ý những điều sau: Có bao nhiêu bài dễ hiểu và khó hiểu; Bài tập nào tốn nhiều thời gian và bài tập nào tốn ít thời gian; Bài tập nào có thể tự làm và bài tập nào cần sự giúp đỡ.
Nhờ đó, trẻ sẽ xử lý những bài dễ rất nhanh, biết cần tìm thêm thông tin cho bài nào và để dành bài nào để hỏi bố mẹ sau cùng. Thói quen này cũng giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn trong giờ kiểm tra. Đồng thời, cha mẹ nên cùng con đặt mục tiêu học tập. Mục tiêu không cần lớn, từng bước một. Trước tiên lấy kết quả bài kiểm tra làm mục tiêu, phân tích kết quả đạt được để đặt đích đến tiếp theo. Có thể đưa ra một số phần thưởng thích hợp để cổ vũ cho các em.
Sau cùng, nếu trẻ không đạt điểm giỏi, bạn cũng đừng thất vọng. Nhiều học sinh đạt điểm C ra đời thành công hơn học sinh đạt điểm A. Do đó, khi thấy trẻ không đạt hiệu quả trong môn học nào đó, bạn hãy giúp trẻ thay đổi phương pháp tiếp cận hoặc khám phá sở thích khác của bản thân, tập trung nuôi dưỡng nó.