Tấm áo giáp "thép" cũ đã chật
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng ngày 21/3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong thời gian gian tới công ty sẽ không đầu tư sản xuất nữa mà mở rộng phân phối, đặc biệt tập trung vào hệ thống phân phối Hoa Sen Home.
Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của ông Vũ trước khi chính thức rời khỏi tập đoàn.
"Chúng ta sẽ có bước ngoặt chiến lược, sẽ hình thành hệ thống Hoa Sen Home. Bây giờ khi nhắc đến tập đoàn Hoa Sen, người ta nghĩ đến ngay các sản phẩm như tôn, ống thép, ống nhựa.
Nhưng trong 5 - 10 năm tới, người ta sẽ nhắc đến tập đoàn như một nhà phân phối vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home. Nếu vận hành tốt, tôi tin rằng doanh thu của hệ thống có thể đạt 50.000 tỷ đồng thậm chí hơn", ông Vũ nói.
Nhằm thực hiện hoá bước chuyển đổi này, tập đoàn lên kế hoạch chuyển đổi công ty TNHH MTV thuộc HSG thành CTCP Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home.
Dự kiến khi hai công ty trên đủ điều kiện theo quy định pháp luật, HĐQT sẽ tiếp tục trình ĐHĐCĐ vào các kỳ tiếp theo thông qua việc IPO và niêm yết hai công ty này trên thị trường chứng khoán..
Ông Vũ cho rằng "chiếc áo" phân phối sẽ phù hợp với Hoa Sen khi mảng sản xuất đã gần như đã hết dư địa đối với công ty.
Ở thời điểm hiện tại, Hoa Sen đang dẫn đầu về mặt hàng tôn, thứ hai về ống thép và thứ 3 về ống nhựa trên cả nước. Riêng đối với mặt hàng tôn, Hoa Sen dẫn đầu cả ở thị trường Đông Nam Á.
Hoa Sen dẫn đầu thị phần tôn mạ và đứng thứ hai về ống thép trong năm 2021. (Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam)
Nếu tiếp tục đi theo hướng đầu tư mở rộng hệ thống sản xuất, Hoa Sen sẽ phải làm từ các loại thép thượng nguồn (ví dụ thép cuộc cán nóng - nguyên liệu sản xuất tôn mạ).
Việc chưa tự chủ được nguyên liệu đầu và phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép HRC cũng từng khiến cho Hoa Sen nếm trái đắng thời điểm 2017 - 2018 khi lợi nhuận sau thuế của công ty còn 409 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch và là mức thấp kỷ lục trong 5 năm. Lợi nhuận tiếp tục giảm trong năm 2019 còn 361 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân của của sự "trượt dốc" lợi nhuận là giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng có dấu hiệu tăng mạnh cuối năm 2017 và đạt đỉnh đầu năm 2018, đúng thời điểm Hoa Sen cần mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Công ty buộc phải tăng giá bán nhưng sau đó không lâu, nguyên liệu đảo chiều giảm sâu đột ngột, gây sức ép đáng kể cho giá bán.
Trên thực tế, Hoa Sen cũng đã từng đầu tư 10 tỷ USD vào dự án thép Cà Ná với tham vọng sản lượng đạt 16 triệu tấn và có thể tự chủ được nguồn cung nguyên liệu sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, tham vọng đó không thành bởi liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và công nghệ.
Tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Sen chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Hai doanh nghiệp cùng có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do Hoa Sen sở hữu 100% vốn và giao vai trò chủ đầu tư của dự án cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra, công ty cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai dự án này.
Tính đến thời điểm hiện tại, đối với mảng thép cuộn cán nóng, hiện tại chỉ có Hoà Phát và Fomosa có thể sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu trong nước.
"Chúng ta không đầu tư sản xuất nữa mà thay vào đó sẽ thành đối tác của hàng trăm ngàn nhà cung cấp. Họ làm thay chúng ta sản xuất, chúng ta lo đầu ra", ông Vũ nói.
Vì sao là phân phối mà không phải bất động sản hay mảng khác?
Câu trả lời nằm ở hệ thống hơn 600 cửa hàng phân phối và đã vận hành được 20 năm qua. Bên cạnh đó, Hoa Sen sở hữu hệ thống dữ liệu lớn (Big data) về khách hàng kèm đội ngũ quản trị đã có kinh nghiệm. Trong khi đó, bất động sản không phải là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Cũng chính vì lý do đó, tập đoàn này bán tất cả những tài sản không liên quan đến hoạt động kinh doanh chính và định hướng sẽ tập trung cho mảng phân phối.
"Hoa Sen sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất nữa, những tài sản nào không cần thiết, bán hết. Chúng tôi bán hết các tài sản không liên quan đến phân phối, kể cả bất động sản, khách sạn ở Yên Bái. Tất cả quy về tiền mặt để dồn lực vào cái nào lớn nhất cái nào tối ưu nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất, Hoa Sen sẽ không đi lung tung nữa", ông Vũ nói.
Ý đồ mong muốn chuyển hướng là một doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng, nội thất của Hoa Sen còn thể hiện qua kế hoạch trả hết nợ trung và dài hạn trong năm 2023, nợ ngắn hạn sẽ trả xong trong khoảng 2 - 3 năm tới nhằm giảm áp lực chi phí tài chính ở mảng sản xuất.
Hiện tại hệ số nợ ngân hàng/vốn chủ của Hoa Sen là 0,53. Nợ trung và dài hạn giảm từ 1.200 tỷ đồng thời điểm 31/10/2021 giảm xuống còn 830 tỷ đồng. Ông Vũ khẳng định sẽ trả hết khoản này vào năm sau.
Đối với khoản nợ ngắn hạn 6.000 tỷ đồng, ông Vũ đặt giả thiết nếu giá thép cuộn cán nóng giảm từ 900 USD/tấn xuống mức giá bình thường là 500 USD/tấn và mức tiêu thụ tương đương với hiện tại, trong hai năm 2023 và 2024 công ty lãi trung bình 1.500 - 2.000 tỷ đồng đồng thì cũng sẽ trả hết nợ.
"Trước đây mỗi tháng công ty phải trả lãi ngân hàng 50.000 tỷ đồng thì hiện chỉ còn khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong 2,3 năm nữa con số này sẽ bằng 0. Toàn bộ tài sản, máy móc, sản xuất sẽ là thuộc sở hữu của Hoa Sen, không nợ ai đồng nào", ông Vũ nói.
Ông Vũ "đặt cược" vào triển vọng trở thành nhà cung cấp từ vật liệu xây dựng đến nội thất cho các công trình dân dụng.
"Trong đầu tư của xã hội, đầu tư vào nhà ở là một số tiền lớn. Các công trình có giá từ 1,2 tỷ đến vài trăm tỷ đồng. Hệ thống Hoa Sen Home cung cấp toàn bộ hệ thống cho việc này nếu thành công, vì vậy doanh số 1 - 5 tỷ USD không phải là điều viển vông. Bước chuyển mình chiến lược này để tạo sự tăng trưởng và giá trị cho cổ đông và cơ hội thăng tiến cho nhân viên", chủ tịch Hoa Sen nói.
Ông Trần Thành Nam, Tổng Giám đốc Hoa Sen, cho biết tính đến tháng 3/2022 đã có 90 cửa hàng Hoa Sen Home đi vào hoạt động (tại thời điểm tháng 1/2021 là một cửa hàng), kinh doanh đa dạng hóa các mặt hàng vật liệu xây dựng và nội thất. Con số này chậm hơn so với dự định được đưa ra trước đó là 150 cửa hàng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong năm nay, Hoa Sen sẽ đầu tư 50 tỷ vào hệ thống quản trị hàng tồn kho tại các cửa hàng và xác định đây là một trong những lợi thế của công ty.
"Nếu điều hành tốt, giá trị Hoa Sen Home sẽ gấp nhiều lần Hoa Sen hiện nay. Lúc đó, quý vị sở hữu công ty phân phối chứ không phải công thép. Hoa Sen sẽ cởi áo giáp bằng thép để mặc áo mới. Đây là điều tốt nhất, nỗ lực cuối cùng tôi để lại cho cổ đông trước khi chính thức rời khỏi Hoa Sen", ông Vũ nói với cổ đông.