Nhắc đến Vinamilk, chắc hẳn nhiều cổ đông ngậm ngùi khi cổ phiếu của ông lớn ngành sữa này chỉ đi ngang trong năm 2021. Trong khi đó chỉ số Vnindex tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng 1 năm. Đến nay quy mô thị trường chứng khoán xấp xỉ 123% GDP, với 52 doanh nghiệp niêm yết lọt vào "câu lạc bộ" vốn hóa tỉ USD.
Từ ngôi sao sáng giá trên sàn chứng khoán, cổ phiếu Vinamilk liệu có còn hấp dẫn với nhà đầu tư chứng khoán?
Trong báo cáo phân tích mới đây về Vinamilk, công ty chứng khoán VnDirect nhận định giá cổ phiếu sẽ tiếp tục chịu áp lực khi giá giá sữa bột nguyên liệu vẫn còn cao trong ngắn hạn. VnDirect tin tưởng rằng VNM vẫn phù hợp để nắm giữ trong dài hạn nhờ 3 điều: kết quả kinh doanh ổn định, bảng cân đối tài chính lành mạnh và tỷ suất cổ tức ổn định.
Cụ thể giai đoạn 2022-2023, triển vọng kinh doanh của ông lớn ngành sữa này khá tích cực dựa 3 điều chính.
Giá bột sữa ổn định sẽ hạ bớt áp lực lên chi phí đầu vào
VnDirect nhận định giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần. Theo Eurostat, sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, VnDirect cho rằng điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào Quý 2 năm 2021.
Ngoài ra, trang trại bò tại Quảng Ngãi (quy mô 4.000 con) đã đi vào hoạt động và dự án trang trại bò tại Lào dự kiến sẽ cho ra sản phẩm vào đầu năm 2023.
Hai dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho VNM khoảng 64 triệu lít/năm, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu đầu vào của VNM lên 4% vào năm 2023.
Theo ban lãnh đạo, công ty đã thực hiện hai đợt tăng giá vào T12/2021 và T1/2022 với tổng mức tăng giá từ 3-4%. Hiện tại, Vinamilk đã ấn định giá sữa bột nguyên liệu đầu vào sản xuất đến T6/2022. Công ty cũng có chủ trương sẽ không tăng giá bán trung bình cho đến cuối năm, trừ khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Do đó, VnDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ cải thiện nhẹ 0,7/0,6 điểm % svck trong năm 2022-23 sau khi giảm 3,3 điểm % trong năm 2021.
Nhu cầu tiêu thụ sữa nội địa phục hồi sau khi “Mở cửa trở lại”
Nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ về sản lượng, cao hơn mức 4% so với năm trước trong năm trước. Điều này có được là do mức nền tiêu thụ thấp trong năm 2021. Ngoài ra số ca nhiễm Covid-19 trong Q1/22 tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu thụ sữa tăng cao nhằm cải thiện sức khỏe và nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cao hơn dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như sữa chua tăng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn nằm trong top các nước có mức tiêu thụ sữa tương đối thấp, chỉ khoảng 26-27kg/người/năm (mức bình quân trên thế giới là 100kg/người/năm và mức bình quân ở châu Á là 38 kg/người/năm). Do đó, VnDirect cho rằng mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Nhà máy sữa Hưng Yên sẽ là động lực tăng trưởng kể từ năm 2024
Nhằm nắm bắt tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam, Vinamilk đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm. Đây sẽ là nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc của VNM và được định hướng trở thành một siêu nhà máy sữa quy mô lớn tại Việt Nam.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn và hiện đã được tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 và sẽ đóng góp khoảng 15-20% vào doanh thu của VNM. Nhà máy mới cũng sẽ giúp công ty này củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với hơn 13 nhà máy sữa trên cả nước, trong đó có 2 nhà máy quy mô lớn.