Tâm lý bi quan của các nhà đầu tư tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/10), kết thúc phiên giao dịch chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm nhẹ 9,98 điểm (0,03%) để đóng cửa ở mức 33.119,57 điểm. S&P 500 giảm 5,56 điểm (0,13%) để đóng cửa ở mức 4.258,19 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng giảm 16,18 điểm (0,12%) để đóng cửa ở mức 13.219,83 điểm.
Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, mã cổ phiếu VFS của VinFast ghi nhận đà tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm mạnh trước đó.
Cụ thể, sau khi đóng cửa ở mức giá 8,05 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, VFS bước vào phiên giao dịch ngày thứ Năm với giá mở cửa tăng mạnh lên 8,9 USD/cổ phiếu, có thời điểm mã cổ phiếu này tăng lên mức 9,30 USD/cổ phiếu.
Thị giá của cổ phiếu VinFast phục hồi trở lại sau khi hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023
Cùng với đà phục hồi về thị giá, thanh khoản của VFS cũng tăng mạnh so với những phiên giao dịch gần đây với hơn 8,88 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay. Kết phiên, VFS đóng cửa ở mức giá 8,50 USD/cổ phiếu, tương đương mức găng 5,59% so với giá kết phiên liền trước.
Với sự phục hồi trở lại này, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đạt 19,82 tỷ USD. Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng thứ 21 trong danh sách những hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Ở phân khúc xe điện, VinFast đứng vị trí thứ 3 sau Tesla với giá trị vốn hóa 825,39 tỷ USD và Li Auto với giá trị vốn hóa 34,22 tỷ USD. Trong Top 5 hãng xe điện có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, VinFast đứng trên Rivian giá trị vốn hóa 17,32 tỷ USD và XPeng với giá trị vốn hóa 15,55 tỷ USD.
Cổ phiếu VinFast ghi nhận đà tăng trở lại cùng thanh khoản cao sau khi hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, VinFast đã bàn giao 10.027 ô tô điện trong quý 3/2023, tăng 5% so với quý 2/2023, nâng tổng số xe tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2023 lên 21.342 xe. Quý 3 cũng bước đầu ghi nhận doanh số tích cực hơn trong tháng 9 tại thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Canada.
Bên cạnh ô tô điện, trong quý 3/2023, VinFast ghi nhận doanh số xe máy điện ấn tượng với 28.220 xe đã bàn giao, tăng 177% so với quý 2/2023 và tăng 113% so với quý 3/2022.
Tổng doanh thu quý 3/2023 của VinFast đạt 8.254 tỷ đồng (342,7 triệu USD), tăng 4% so với quý 2/2023 và tăng 159% so với quý 3/2022. Tổng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu bán xe điện (7.698 tỷ đồng).
Quý 3/2023 ghi nhận lỗ gộp ở mức 2.468 tỷ đồng (102,4 triệu USD) giảm 28,4% so với quý 3 năm 2022 và giảm 9,1% so với quý 2 năm 2023 và biên lợi nhuận gộp ở mức âm 30%, cải thiện so với mức âm 108,2% trong quý 2/2023 và âm 34,1% trong quý 2 năm 2023.
Lỗ từ hoạt động kinh doanh là 8.922 tỷ đồng (370,4 triệu USD), giảm 9,2% so với quý 3 năm 2022 và giảm 3,3% so với quý 2 năm 2023. Sau khi trừ các khoản chi phí, VinFast lỗ ròng 15.004 tỷ đồng (622,9 triệu USD), tăng 33,7% so với quý 3 năm 2022 và tăng 19,7% so với quý 2 năm 2023. Tiền và các khoản tương đương tiền tại ngày 30 tháng 9 năm 2023 là 3.154 tỷ đồng (131 triệu USD).
Tính đến ngày 30/9, VFS có tổng tài sản gần 124.842 tỷ đồng (5,182 tỷ USD). Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 46.761 tỷ đồng (1,941 tỷ USD), tài sản dài hạn hơn 78.080 tỷ đồng (3,241 tỷ USD).
Báo cáo tài chính cũng cho biết theo thỏa thuận cấp vốn của Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho VinFast đã được công bố vào tháng 4/2023, tính đến ngày 30/9/2023, Vingroup đã giải ngân khoản vay 23.000 tỷ đồng và trong tháng 9/2023, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng đã giải ngân tặng 7.000 tỷ đồng cho VinFast.
Trong 6 tháng tới, VinFast dự kiến nhận đến 12.000 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại từ Vingroup. Bên cạnh đó, hai cổ đông kiểm soát bởi Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẽ tặng cho VinFast toàn bộ số tiền ròng thu được từ bán 46 triệu cổ phiếu, theo thông tin đã đăng ký tại Bản cáo bạch F-1 nộp cho SEC gần đây.
Tổng nguồn tiền VinFast kỳ vọng nhận về trong các quý tiếp theo có thể lên đến 29.000 tỷ đồng hoặc nhiều hơn.