Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 16/11: MBB, VND, PVD

 

 Ảnh: Thu Thảo.

MBB - Hoạt động cho vay duy trì tăng trưởng trong khi tiền gửi giảm 

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhờ room tín dụng được cấp mới mà MBB có thể đẩy mạnh cho vay trong quý III.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng đạt 426 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với đầu năm; danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ trong quý III nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nguồn vốn huy động đạt 542 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%. Huy động từ giấy tờ có giá tăng 52,2% bù đắp cho tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2%.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm về mức 1%, nợ xấu ngân hàng mẹ là 0,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù giảm xuống 207,7% nhưng vẫn thuộc top đầu ngành. Số dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý III còn khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 33,3% so với quý trước.

Trong lĩnh vực ngân hàng số, chỉ trong quý III, MBB đã thu hút được thêm 3 triệu người dùng mới App & Biz mới, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng khách hàng sử dụng ngân hàng số lên 18 triệu người dùng.

Số lượng giao dịch trên kênh số vào quý III đạt 812 triệu giao dịch, tăng gấp 3,6 lần và chiếm tới 94% các giao dịch tại MBB. Giá trị giao dịch trong quý III đạt 7,8 triệu tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.

 (Ảnh: Thu Thảo).

VND - Rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần 

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa phiên 14/11 giảm 4,3% và đồ thị giá xuất hiện mô hình nến Bullish Doji Star cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp.

Đồng thời, đồ thị giá giảm sâu vào vùng quá bán cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức giảm.

Cổ phiếu VND tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu YS30 với mức tăng 5,6% với khối lượng giao dịch tăng mạnh. Đồng thời, mức Stock Rating của VND ở mức 56 điểm cho nên mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tiêu cực.

Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn của VND có dấu hiệu giảm dần cho thấy đồ thị giá có thể sẽ còn bước vào giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, nhưng xu hướng ngắn hạn của VND vẫn duy trì ở mức giảm.

 Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu VND. (Nguồn: TradingView).

PVD - Triển vọng giá cước cho thuê giàn khoan tích cực hơn 

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Chứng khoán KB Việt Nam dự báo số giàn khoan trung bình của PVD trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 5,93 giàn và 6,35 giàn nhờ vào các yếu tố tích cực từ ngành cũng như sự đóng góp từ giàn TAD sau 6 năm không có việc. Theo đó, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD cũng sẽ cao hơn, đạt 95% trong năm 2023 so với 90% của năm 2022, theo dự phóng.

KBSV kỳ vọng rằng khu vực Đông Nam Á - thị trường chính của PVD hiện tại sẽ tiếp tục có sự hồi phục trong hoạt động E&P nhờ vào giá dầu ở mức thuận lợi và cao hơn nhiều so với mức giá hoà vốn tại các quốc gia.

Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, giá thuê trung bình giàn tự nâng ở khu vực Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ lên mức trên 90.000 USD/ngày. KBSV dự báo giá thuê ngày giàn khoan tự nâng của PVD trong năm 2022 đạt trung bình 63.900 USD/ngày (tăng 13% so với cùng kỳ) và năm 2023 đạt trung bình 75.300 USD/ngày (tăng 18%).  

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm