Chia sẻ tại Hội thảo Các kênh dẫn vốn cho DN Việt Nam diễn ra chiều nay ngày 15/11, Chủ tịch Chứng khoán VNDirect - bà Phạm Minh Hương - nhắn nhủ: "Khi niềm tin bị khủng hoảng dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư, chưa kể hầu hết các kênh đầu tư hiện nay dường như đều có vấn đề; thì chúng ta phải có được sự quan sát đúng đắn để đối diện vấn đề, phải đặt tên được nó và tìm cách khắc phục".
Dưới vai trò là lãnh đạo CTCK, trước cơn khủng hoảng niềm tin hiện nay trên TTCK, bà Hương tâm sự: “Mỗi lúc khó khăn, tôi lại nhớ câu nói của một người thầy, đó là Sự màu nhiệm nhất của cuộc đời là thay đổi. Và cục diện hiện nay, chúng ta đang thay đổi. Điều cần làm là chúng ta phải đối mặt được với sự thay đổi này”.
Theo bà Hương, để TTCK quay lại cần có niềm tin chung, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân trên thị trường cùng hành động, và quan trọng phải có hiểu biết.
Theo VNDirect, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng cho dài hạn, bao gồm nền tảng cho tăng trưởng dài hạn ở mức cao, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, là trung tâm sản xuất của khu vực trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero-Covid” cũng như rủi ro chính trị hiện nay…
“Nếu đi tìm quốc gia có nền kinh tế còn nhiều ngành nghề có thể khai thác thì chỉ còn số ít, trong đó có Việt Nam. Các khó khăn hiện nay do chúng ta chưa có công cụ quản lý khắc phục phù hợp”, đại diện VNDirect nói thêm.
Dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng, song chúng ta đang đối mặt với các thách thức đến từ môi trường kinh tế lãi suất cao, và khó có đà giảm trong thời gian gần tới. Trong đó, động thái tăng lãi suất của FED gây áp lực lên tỷ giá: Tỷ giá USD/VND đã giảm 8,7% so với hồi đầu năm (tính đến ngày 11/11).
Chưa kể, xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine dẫn thiếu hụt năng lượng và giá cao, Trung Quốc kéo dài thời gian phong tỏa gây gián đoạn chuỗi cung ứng… Hệ quả, đơn hàng sản xuất giảm, khó kiểm soát được lạm phát khi giá năng lượng và hàng hóa tiếp tục leo thang trước áp lực của tỷ giá, nguy cơ giảm việc làm tại các hầu hết các lĩnh vực kinh tế lớn.
Theo chuyên gia của VNdirect, rủi ro hệ thống của Thị trường tài chính khiến Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng kinh doanh.
Cùng tham gia trao đổi, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định nền kinh tế thế giới khó khăn hiện nay chỉ là một tai nạn do Covid và do xung đột. Vì tai nạn lớn nên kéo dài, dẫn đến sẽ có khó khăn nhất định; song không nền tài chính nào trên thế giới bị khủng hoảng.
“Tai nạn không biểu hiện cho dài hạn, và thực tế khảo sát cho thấy Mỹ đang hồi phục rất tốt. Dù rằng, lạm phát tại Mỹ tăng, và người dân vẫn không dám chi tiêu vì ngại giá cả còn tăng; châu Âu tương tự, chưa kể tình trạng thất nghiệp tăng… Xong, tôi không nghĩ là thực tế sẽ quá bi đát như những định chế dự báo hiện nay. Và Việt Nam chúng ta người dân cũng đang phản ứng thái quá do tâm lý”, ông Nghĩa nói.
Trước những thách thức trên, ông Nghĩa cũng cho biết các cơ quan quản lý đang cấp rút lên phương án xử lý. Trong đó ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh kiến nghị không xử lý hình sự án kinh tế (nếu hình sự tài sản tư nhân sẽ không còn), công bố quỹ bảo lãnh (nơi các DN tiếp tục bổ sung các tài sản còn lại để cùng xử lý dứt điểm khủng hoảng trái phiếu, tương tự Quỹ bảo lãnh của Hàn Quốc mới đây), cho tái cấu trúc các NHTM….