Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng sẽ thế nào khi tiền không còn rẻ?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/09, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.203,28 điểm, giảm 11,42 điểm so với phiên ngày hôm trước. Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng , chỉ có 5/27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết mang sắc xanh, 2 mã dừng ở mốc tham chiếu, nhóm còn lại ghi nhận giảm từ 0,4-2,7%.

Thị trường giảm mạnh trong bối cảnh các chính sách tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực vào ngày 23/9. Hiện đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh tác động của việc tăng lãi suất lên thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Để làm rõ hơn những tác động của việc tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán và cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch công ty tư vấn tài chính AzFin.

Cổ phiếu ngân hàng sẽ thế nào khi tiền không còn rẻ? - Ảnh 1.

Chủ tịch công ty tư vấn tài chính AzFin, ông Đặng Trần Phục

Ông đánh giá thế nào về việc NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1% từ 23/9?

Ông Đặng Trần Phục: Có 3 điểm cần phải lưu ý về bối cảnh kinh tế của chính sách này

Thứ nhất: Nhu cầu về vốn của nền kinh tế là rất lớn do các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường sau dịch. Bên cạnh đó, các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu và trái phiếu lại đang rất khó khăn. Điều này đã dẫn đến việc nhu cầu về tín dụng rất cao và các ngân hàng đã phải tăng cường huy động để kịp đáp ứng. Mặt bằng lãi suất vì lẽ đó cũng đã được nâng lên.

Thứ hai: Lạm phát của Việt Nam có dấu hiệu tăng lên do chi phí đẩy. Điều này cũng đã tạo áp lực lên việc nâng lãi suất để bù vào phần lạm phát gia tăng.

Thứ ba: Lãi suất đồng USD đã liên tục tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã lên đến 3,7% vào ngày 23/9/2022. Điều này cũng góp phần thúc đẩy việc tăng lãi suất để giảm bớt áp lực mất giá của VND trước USD.

Vì lẽ đó, việc tăng lãi suất là điều tất yếu.

Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán?

Ông Đặng Trần Phục: Thông thường, việc tăng lãi suất về cơ bản có ảnh hưởng không tốt đến thị trường chứng khoán. Có thể kể đến 2 lý do sau:

Thứ nhất: Kênh gửi tiết kiệm sẽ trở lên tương đối hấp dẫn hơn so với các tài sản rủi ro như cổ phiếu hay BĐS, nhờ lãi suất tiền gửi tăng lên.

Thứ hai: Chi phí tài chính của các doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng, khiến cho lợi nhuận có thể suy giảm.

Tuy nhiên, việc đánh giá tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán (TTCK) cần được xem xét trên tổng thể các yếu tố vĩ mô bao gồm:

Một là: Tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tăng trưởng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là: Yếu tố lãi suất và lạm phát.

Ba là: Yếu tố tỷ giá.

Nếu các yếu tố trên nghiêng về hướng tích cực nhiều hơn, tác động đến TTCK cũng sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu tổng hòa 3 yếu tố trên không tốt, TTCK cũng sẽ khó lòng có được kết quả tốt.

Ngoài ra, yếu tố định giá cũng cần được xét đến. Nếu định giá cao so với thị giá thì với bất kỳ sự biến động không tích cực nào của lãi suất cũng có thể làm TTCK chao đảo. Nếu định giá ở mức hấp dẫn, thị trường sẽ không bị tác động quá nhiều khi lãi suất tăng ở mức vừa phải.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất đã tăng 0,6% cho các kỳ hạn, vẫn chưa về mức trước dịch Covid năm 2018-2019. Vì lẽ đó, mặt bằng lãi suất nâng lên sẽ chưa có tác động quá lớn đến sự hiệu quả của nền kinh tế.

Theo ông các ngân hàng sẽ chịu tác động thế nào?

Ông Đặng Trần Phục: Lãi suất huy động đã và đang tăng. Điều này khiến cho giá vốn huy động của các ngân hàng tăng khoảng 0,3% so với đầu năm 2022. Những ngân hàng có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao sẽ ít chịu áp lực tăng giá vốn hơn, ngược lại những ngân hàng có tỷ lệ này thấp sẽ chịu tác động tăng giá vốn nhiều hơn, do tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất thấp hơn so với các kỳ hạn dài.

Với việc lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng lên khá cao so với lãi suất không kỳ hạn, tôi cho rằng CASA của các ngân hàng có thể sẽ giảm do người dân sẽ hạn chế tối đa việc để tiền không kỳ hạn lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc chỉ tiêu này tăng hay giảm đối với mỗi ngân hàng còn phù thuộc vào các dịch vụ về thanh toán và tiện ích sử dụng có được cải thiện tốt không. Bên cạnh đó, CASA còn chịu tác động bởi việc chi tiêu và thanh toán online có tăng mạnh không.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn đang rất lớn trong khi room tín dụng có hạn, tôi cho rằng việc tăng lãi suất này sẽ được ngân hàng chuyển cho khách hàng bằng việc nâng lãi suất cho vay ra. Vì lẽ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng đa phần sẽ không phải chịu ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng quá cao (tăng thêm trên 1,5% nữa), khi đó ngân hàng sẽ không thể chuyển hết chi phí này cho khách hàng, dẫn đến lợi nhuận có thể sẽ chịu những tác động kém tích cực.

Trong năm 2022, chúng tôi cho rằng biên lãi ròng (NIM) sẽ không bị giảm do ngân hàng chuyển được phần tăng giá vốn cho khách hàng khi cầu về tín dụng lớn hơn cung. NIM sẽ chỉ giảm khi lãi suất còn tăng mạnh nữa và nhu cầu vốn của người dân thấp xuống.

Theo những nghiên cứu và đánh giá của AzFin, trong quý 3 và quý 4/2022, ngành ngân hàng sẽ vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. NIM thậm chí vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với quý 2/2022 thì kết quả có thể sẽ tăng trưởng sẽ thấp hơn, do quý 3 và quý 4/2022 tín dụng tăng chậm so với những quý đầu năm.

Về lợi nhuận các ngân hàng, tôi cho rằng sẽ không thể tăng trưởng trung bình lên đến 35-40% như năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 nữa, song vẫn hoàn toàn có thể ghi nhận tăng trưởng tương đương với tăng trưởng tín dụng.

Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm?

Ông Đặng Trần Phục: Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới hiện vẫn hết sức phức tạp, châu Âu có thể nói là đã rơi vào suy thoái, nền kinh tế Mỹ đã suy yếu nhiều. Trong khi đó, lãi suất sẽ vẫn tiếp tục tăng cao do lạm phát vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục. Điều này sẽ có tác động khá xấu đến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.

Tuy nhiên, với nền kinh tế là điểm sáng thì nội tại của Việt Nam sẽ chỉ bớt khỏe hơn chứ khó có thể rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, định giá TTCK ở mức hấp dẫn là yếu tố tích cực.

Tổng hợp cả 2 ý trên chúng tôi cho rằng nhiều khả năng TTCK sẽ đi ngang trong biên độ tương đối hẹp đến hết năm 2022.

Riêng triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng thì sao thưa ông?

Ông Đặng Trần Phục: Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 45% lợi nhuận và 38% vốn hóa toàn thị trường. Nhóm này có tính thị trường rất cao, do đặc thù số lượng cổ phiếu lưu hành lớn, vì thế đây thường được coi là nhóm dẫn dắt thị trường.

Với việc kinh tế thế giới còn rất khó khăn, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn rất khó để nhóm này có thể bật tăng mạnh và kéo thị trường chứng khoán đi lên, mặc dù định giá ngành này ở mức hấp dẫn. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng nhóm ngân hàng sẽ có hiệu quả vượt trội so với VN-Index và chính nhóm ngân hàng sẽ dẫn dắt Index lên những tầm cao mới trong tương lai.

Xin cảm ơn những ý kiến của ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm