Doanh nghiệp

Cuộc chiến với đồng bạc xanh: Lựa chọn nào cho các ngân hàng trung ương?

Các quốc gia đang lâm vào thế phải tự mình xây dựng hàng phòng thủ trước sức mạnh gia tăng của đồng bạc xanh. Thế nhưng, dường như các chính phủ lại chọn cách hành động đơn phương, thay vì cùng nhau hợp sức.

Được “chắp cánh” bởi những chính sách của Fed, đồng USD đang trở nên mạnh mẽ hơn. Trải qua một đợt tăng giá lịch sử, đồng tiền này đang có nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến ngân hàng trung ương nhiều nước khó kiềm chế lạm phát.

Cuộc chiến với đồng bạc xanh: Lựa chọn nào cho các ngân hàng trung ương? - Ảnh 1.

Được “chắp cánh” bởi những chính sách của Fed, đồng USD đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Ảnh: Finance-monthly.

Mới đây, trong nỗ lực bảo vệ đồng yên, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn mới nhất tham gia trực tiếp vào cuộc cạnh tranh ngoại hối, cùng các quốc gia từ Ấn Độ đến Chile.

Thực tế, các vấn đề trên thị trường tiền tệ hiện nay, theo nhiều cách, làm chúng ta nhớ đến giai đoạn khủng hoảng những năm 1980.

Vào thời điểm đó, để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại do đồng USD tăng giá phi mã, các siêu cường kinh tế thế giới đã đồng ý ký kết Hiệp định Plaza 1985, theo đó, can thiệp vào tỷ giá trên thị trường ngoại hối để làm giảm giá trị đồng USD so với đồng Yên Nhật và Mác Đức bằng việc bán ra tổng cộng 10 tỷ USD trên thị trường ngoại hối và mua lại vào các đồng tiền: Yên, Mác.

Tuy nhiên, giải pháp này có lẽ không còn hữu dụng ở thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, trong bối cảnh lợi ích kinh tế các quốc gia khác nhau và xu hướng hội nhập hóa toàn cầu đã thay đổi trong nhiều thập kỷ, ít có khả năng các quốc gia lớn sẽ đi đến một hiệp định tương tự.

Viraj Patel, chiến lược gia tại Vanda Research, cho biết: Nếu muốn có một Hiệp định Plaza thứ hai, sẽ cần phải có sự tham gia của chính quyền Mỹ và “xác suất họ can thiệp để làm suy yếu đồng USD ngay bây giờ gần như là 0%”.

Bộ Tài chính Nhật Bản chiều qua chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ để đẩy giá đồng yên lên từ hôm qua, ngày 22/9. Một quan chức từ Bộ Tài chính Mỹ xác nhận, đây là hành động đơn phương của Nhật Bản và ECB không tham gia can thiệp thị trường tiền tệ.

Việc giảm giá của các đồng tiền, từ đồng euro đến đồng won của Hàn Quốc so với USD, đang “đổ thêm dầu” vào áp lực lạm phát vốn đã gia tăng trên toàn thế giới, buộc nhiều nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu triển khai các công cụ cần thiết.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trước đồng USD với các mức cố định ngoại hối mạnh hơn mong đợi. Và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, trừ Nhật Bản, đều cân nhắc tăng lãi suất để đối phó với tình hình giá tiêu dùng tăng và tỷ giá hối đoái mất giá.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã đạt mức cao mới trong tuần này sau khi Fed xác nhận sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.

Cuộc chiến với đồng bạc xanh: Lựa chọn nào cho các ngân hàng trung ương? - Ảnh 2.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác liên tục đạt mức cao mới. Ảnh: Bloomberg.

Can thiệp vào thị trường tiền tệ là động thái hiếm hoi với Nhật Bản. Các quan chức ở Tokyo trước đây thường chỉ bày tỏ quan ngại về thị trường ngoại hối, nhưng đã thực sự vào cuộc bảo vệ đồng yên lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đi ngược lại dòng chảy của các quốc gia trên thế giới, khi giữ lãi suất ở mức -0,1% vào ngày 22/9.

Với động thái này, Nhật Bản đã gia nhập một nhóm đang lớn mạnh các quốc gia có hành động trực tiếp trên thị trường ngoại hối, bao gồm Chile, Ghana, Hàn Quốc và Ấn Độ. Cũng trong ngày hôm qua, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cho biết sẵn sàng can thiệp vào ngoại hối nếu cần.

George Boubouras, trưởng nhóm nghiên cứu tại quỹ đầu cơ K2 Asset Management đánh giá: “Đây là một kịch bản mà “các quốc gia tự chiến đấu vì chính mình”, vì thế giới ngày nay đã phân mảnh hơn nhiều so với những năm 1980”. “Cơ hội toàn cầu hợp sức để làm suy yếu đồng USD gần bằng 0. Trong tương lai, khả năng chúng ta sẽ thấy kỳ vọng nhiều cuộc chiến tranh tiền tệ ngược lại hơn”.

Thêm nữa, một điểm khác biệt chính so với những năm 1980 là quy mô tuyệt đối của giao dịch ngoại hối ngày nay, với doanh thu trung bình hàng ngày đạt 6,6 nghìn tỷ USD, theo khảo sát giai đoạn 3 năm vào năm 2019 của Bank for International Settlements (BIS). Theo BIS, 3 năm trước đó, con số này ở mức 5.100 tỷ USD và đã tăng đáng kể từ 1986 khi ngân hàng này đầu thực hiện khảo sát.

Giảm thiểu thiệt hại

Đồng bạc xanh ngày càng mạnh đã khiến các nhà hoạch định chính sách từ Tokyo đến Santiago gần như phải liên tục “chữa cháy” để giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế. Thế nhưng, những đồng tiền này khả năng sẽ vẫn phải chịu nhiều áp lực nếu Fed duy trì tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai.

Cuộc chiến với đồng bạc xanh: Lựa chọn nào cho các ngân hàng trung ương? - Ảnh 3.

Hiệp định Plaza được ký kết năm năm 1985 giữa các quốc gia G-5 bao gồm Pháp, Đức, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Khác với những năm 1980, Nhật Bản đang cố gắng duy trì một chính sách tiền tệ cực đoan. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda khẳng định tại cuộc họp ngày 22/9 rằng sẽ không tăng lãi suất và thay đổi chính sách trong thời điểm hiện tại, thậm chí là 2-3 năm tới. Điều đó có nghĩa là sự can thiệp mới đây có thể chỉ là một hành động hậu thuẫn trong nỗ lực bảo vệ đồng yên.

Trong khi đó, giới quan sát có nhiều lý do khi nhận định việc mong chờ một hiệp ước toàn cầu để giải quyết vấn đề này là một suy nghĩ viển vông.

Trước hết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Nhật Bản và các nước trên khắp châu Âu. Một thỏa thuận mà không có sự tham gia của quốc gia này có thể sẽ không hiệu quả. Và hiện tại, việc đồng NDT đang chịu áp lực so với đồng USD chưa đến mức chính phủ Trung Quốc phải vào cuộc.

Quan trọng hơn, Mỹ chưa có động thái kiềm chế sự tăng vọt của đồng USD. Sức mạnh của đồng bạc xanh hầu như không được đề cập trong các phiên điều trần quốc hội gần đây với Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Trong khi thực tế, điều chỉnh giảm giá trị đồng USD sẽ rất hữu ích trong việc chống lại áp lực giá tiêu dùng, vì nó làm hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu rẻ hơn đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng.

Jane Foley, chiến lược gia tại Rabobank ở London, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng một thỏa thuận kiểu Plaza có khả năng xảy ra, ít nhất là cho đến khi Fed tin rằng mối đe dọa lạm phát ở Mỹ đã được phá vỡ”.

Vì vậy, hiện các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có rất ít lựa chọn, ngoài việc tiếp tục bảo vệ đồng tiền của mình hoặc chịu rủi ro kinh tế trên diện rộng. Hồi tháng 7, ngân hàng trung ương Chile đã đưa ra kế hoạch can thiệp trị giá 25 tỷ USD. Trong khi đó, cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong đã mua đồng HKD với tốc độ kỷ lục để bảo vệ tỷ giá tiền tệ của mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm