Liên tục tuyển dụng nhân sự số lượng lớn
Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho nhân sự hiện hữu, các ngân hàng phải liên tục tuyển dụng mới lượng lớn nhân sự chất lượng cao từ đầu năm đến nay.
Hiện Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang triển khai Chương trình Tuyển dụng Tập trung "Vững sự nghiệp – Chắc tương lai" nhằm tuyển dụng gần 300 nhân sự cho các vị trí Chuyên viên/Nhân viên Khách hàng Cá nhân, Chuyên viên/Nhân viên Tư vấn Dịch vụ Tài chính Cá nhân và Giao dịch viên trên toàn hệ thống Đơn vị Kinh doanh, trọng điểm ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực Tây Nam Bộ, Duyên hải Bắc Bộ,… Chương trình kéo dài đến hết ngày 30/10/2022.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa thực hiện tuyển dụng chi nhánh đợt 3 năm 2022 với 328 chỉ tiêu tại 84 chi nhánh. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa kết thúc đợt tuyển dụng quy mô lớn lần thứ 6 trong năm với 158 chỉ tiêu không yêu cầu kinh nghiệm và 26 chỉ tiêu có yêu cầu kinh nghiệm làm việc.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa có đợt tuyển 300 nhân sự trên toàn quốc, làm việc tại các điểm giao dịch với các vị trí chuyên viên Khách hàng Cá nhân/Doanh nghiệp, Chuyên viên Kinh doanh Bảo hiểm và đặc biệt là các vị trí thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số tại Hội sở...
Các đợt tuyển dụng được mở ra thường xuyên trên khắp cả nước cho thấy nhu cầu cao về nhân sự của các ngân hàng trong thời điểm này. Tuy vậy với yêu cầu tuyển dụng cũng ngày càng cao về công tác chuyên môn, kỹ năng…, việc tuyển dụng được nhân sự có tiềm năng, năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc không phải là việc dễ.
Mới đây, kết quả Cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh quý III/2022 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý II/2022 tăng chậm lại so với quý trước và được kỳ vọng diễn biến tích cực hơn trong quý III/2022 cũng như trong cả năm 2022 so với năm 2021.
Nhiều ngân hàng đổi mới bộ máy nhân sự cấp cao
Song song với việc tuyển dụng mới cán bộ nhân viên ở các đơn vị kinh doanh, nhiều ngân hàng đã tiến hành đổi mới bộ máy lãnh đạo cấp cao nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược hoạt động.
Như Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đầu tháng 9 đã thông qua Nghị quyết bổ nhiệm bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc và ông Lưu Danh Đức giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công nghệ Thông tin.
Cũng trong tháng 9, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính. Hay SCB vừa bổ nhiệm ông Hoàng Minh Hoàn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành và ông Bùi Nhân vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.
Hàng loạt ngân hàng khác trước đó cũng thay đổi các nhân sự chủ chốt trong ban điều hành là ACB, SeABank, DongABank, Eximbank,...
Xu hướng này cũng diễn ra ở một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam bổ nhiệm ông Kang GewWon vào vị trí Tổng Giám đốc; Ông Victor Ngo giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Ngân hàng UOB Việt Nam.
Việc bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao được các ngân hàng thực hiện trong bối cảnh cần bổ sung lực lượng lãnh đạo để thực hiện các yêu cầu trong giai đoạn mới. Đặc biệt, điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đi cùng đó là yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững đối với các ngân hàng hiện nay.