Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận một số nhóm cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng, những câu chuyện riêng của nhóm doanh nghiệp mang lại sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư và từ đó tạo thêm những điểm hút dòng tiền.
Nhóm FPT tạo sóng
Cơn sốt công nghệ AI và chất bán dẫn là làn gió mới thúc đẩy các cổ phiếu công nghệ bay cao, trong đó có hệ sinh thái của FPT Corp, một trong những đơn vị hưởng lợi chính từ các xu thế đầu tư này.
Theo thống kê của SSI Research, nhóm cổ phiếu với sự dẫn dắt từ tập đoàn mẹ FPT đã tăng giá 41% trong năm 2023, vượt trội so với mức tăng của VN-Index. Đà tăng này tiếp tục diễn ra đầu năm 2024 để đưa các mã chứng khoán thiết lập đỉnh mới.
Riêng cổ phiếu FPT đã chạm đỉnh 111.400 đồng/cp trong ngày 4/3 để đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp lần đầu đạt mức 141.500 tỷ đồng. Mã chứng khoán này dù đang hạ nhiệt nhưng vẫn trong câu lạc bộ ba chữ số với 110.000 đồng/cp, đứng thứ 11 về vốn hóa trong số các công ty niêm yết.
Xét về mức độ tăng giá, FPT của Chứng khoán FPT dẫn đầu trong vòng một năm gần nhất với mức tăng 240% lên 59.300 đồng/cp, hạ nhiệt so với đỉnh lịch sử 61.900 đồng/cp mới xác lập hôm 5/3. Mã FRT của FPT Online cũng đang giao dịch quanh đỉnh lịch sử, hiện ở 146.000 đồng/cp.
Hai cổ phiếu khác trong hệ sinh thái cũng có trạng thái tốt trong thời gian gần đây là FOX của FPT Telecom và FOC của FPT Online, lần lượt đang giao dịch tại 55.900 đồng/cp và 78.500 đồng/cp.
Tổng giá trị vốn hóa của 5 công ty họ FPT đang giao dịch trên thị trường chứng khoán là hơn 201.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử và là một trong những hệ sinh thái hàng đầu của thị trường.
Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ đắc lực bởi triển vọng kinh doanh sáng sủa của tập đoàn mẹ và các đơn vị thành viên. Chi tiêu cho công nghệ toàn cầu vẫn dự kiến tăng trưởng từ 2024, động lực đến từ công nghệ điện toán đám mây và AI.
Diễn biến này mang đến thuận lợi cho FPT ở mảng công nghệ thông tin nước ngoài (thị trường Nhật Bản, APAC, châu Âu và Mỹ), mảng điện toán đám mây và AI chiếm đến 40% doanh thu chuyển đổi số của công ty. Tập đoàn còn hướng tới mở rộng mảng phần mềm ô tô.
Hay như FPT Retail có động lực tăng giá đến từ át chủ bài Long Châu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam. Chứng khoán FPTS hưởng lợi từ các kế hoạch nâng hạng thị trường chứng khoán và tăng vốn. Công ty hàng đầu lĩnh vực viễn thông là FPT Telecom vẫn lập kỷ lục về lợi nhuận trong năm ngoái.
Nhóm Viettel lên tiếng
Việc tạo sóng cổ phiếu công nghệ cũng phải kể đến các công ty thành viên trong hệ sinh thái Viettel. Hiện tập đoàn mẹ Viettel chưa niêm yết nhưng đã có các công ty con trong hệ sinh thái lên sàn và tạo được nhiều tiếng vang.
Cả 4 cổ phiếu VGI của Viettel Global, CTR của Công trình Viettel, VTP của Viettel Post và VTK của Tư vấn Thiết kế Viettel ghi nhận mức tăng giá bằng lần tính từ cuối 2022 đến nay và tiếp tục đi lên mạnh mẽ trong năm 2024.
VGI của Viettel Global là doanh nghiệp quy mô lớn nhất trong hệ sinh thái đang có mặt trên sàn chứng khoán. Với mức giá quanh 36.000 đồng/cp, đây là một trong các doanh nghiệp tỷ USD trên thị trường với giá trị vốn hóa gần 110.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn hóa của Công trình Viettel khoảng 12.000 tỷ và Viettel Post là hơn 9.500 tỷ, vốn hóa của Thiết kế Viettel nhỏ nhất chỉ hơn 380 tỷ. Tổng giá trị vốn hóa của riêng 4 công ty này đã vượt mốc 131.000 tỷ đồng.
Nhóm công ty này có cũng kết quả kinh doanh khả quan để hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu. Chẳng hạn, mã VTP lập đỉnh lịch sử 78.400 đồng/cp với động lực từ hoạt động chuyển sàn niêm yết và lợi nhuận vẫn ở thời kỳ hoàng kim.
Viettel Glolbal trong năm ngoái vẫn duy trì mức lợi nhuận quanh đỉnh gần 1.500 tỷ dù nền kinh tế thế giới nhiều thách thức. Công trình Viettel duy trì đà tăng trưởng cao với lợi nhuận tăng 16% lên mức kỷ lục hơn 516 tỷ đồng.
MCH và MSN lọt nhóm trăm nghìn tỷ đồng
Cổ phiếu họ Masan Group cũng tạo ra điểm hút dòng tiền lớn gần đây. Riêng mã MSN của tập đoàn mẹ đã tăng giá giá 22% kể từ đầu năm lên mức 78.900 đồng/cp, hạ nhiệt nhẹ so với thị giá cao nhất năm mới xác lập trong phiên 7/3.
Thanh khoản cổ phiếu cũng tăng vọt, nhất là phiên giao dịch ngày 5/3 với khối lượng cao nhất trong lịch sử khi nhà đầu tư tranh mua giá trần. Tổng giá trị vốn hóa của Masan Group khoảng gần 113.000 tỷ đồng.
Công ty thành viên Masan Consumer (Mã: MCH) thậm chí có đà tăng giá còn ấn tượng hơn khi đạt 144.500 đồng/cp, tức tăng 66% kể từ đầu năm và nối dài chuỗi tăng giá 16 phiên liên tiếp.
Công ty này vừa chính thức lọt nhóm doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng (tăng hơn 41.000 tỷ so với đầu năm). Con số này vượt qua một loạt tên tuổi lớn trên sàn như Sabeco, Becamex IDC, Thế Giới Di Động, Vincom Retail, HDBank, Seabank...
Các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái như MSR của Masan High - Tech Materials, MML của Masan MeatLife, VCF của Vinacafe Biên Hòa hay NET của Bột giặt NET cũng diễn biến tích cực trong thời gian qua. Riêng cổ phiếu NET vẫn đang giao dịch quanh vùng đỉnh.
Với đà tăng mạnh của một số cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa của nhóm công ty trên đạt khoảng 245.800 tỷ đồng, trong đó có 2 đơn vị lọt nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn hóa vượt mức trăm nghìn tỷ đồng là Masan Group và Masan Consumer.
Hệ sinh thái này nhìn chung cũng đang có triển vọng kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, Masan Consumer trong năm ngoái thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp lần đầu tiên tiến lên gần 50% và đã có doanh thu nghìn tỷ từ thị trường nước ngoài.
Năm 2024, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận trong khoảng 2.290-4.020 tỷ đồng, trong kịch bản cao nhất thì lợi nhuận sẽ cao gấp đôi năm ngoái.
BSC Research dự báo mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 tới 20,8%, so với giai đoạn trước chỉ là 9%.
Ngoài ra, Masan cũng đang có kế thoái thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi để tập trung hoạt động cốt lõi, cũng như có kế hoạch IPO The CrownX (đơn vị sở hữu Masan Consumer, VinCommerce) trong trung hạn. Theo BSC, việc thoái vốn và kế hoạch IPO sẽ là câu chuyện hỗ trợ lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu trong thời gian tới.