Áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm "bất thành" trong phiên cuối tuần qua. Kết lại, chỉ số xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm để bước sang tuần mới.
Xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Dũng Khánh - giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank Investment Bank - cho rằng thị trường tuần mới vẫn có khả năng điều chỉnh, nhưng không nhiều khi xu hướng trung hạn vẫn là tích cực.
Về dòng tiền, thanh khoản bình quân phiên đạt 30.000 tỉ đồng trong tuần trước, mức cao nhất gần 2 năm có thể coi là yếu tố hỗ trợ nhưng vẫn còn xa nếu so với năm 2021, theo ông Khánh.
Bản thân thanh khoản gia tăng, dòng tiền cải thiện thời gian qua nhờ các yếu tố như trong nước vĩ mô ổn định, nhiều chính sách kinh tế hỗ trợ.
Ngoài ra các yếu tố quốc tế như kỳ vọng Fed, ECB hạ lãi suất trong năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh... cũng giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhưng ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích VNDirect - cho rằng nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu.
Xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20 (đường trung bình động lấy mốc thời gian ngắn hạn trong 20 phiên giao dịch - PV), ông Hinh dự báo.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, các lo ngại với tỉ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có tín hiệu "dịu" lại. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, trưởng ban chiến lược Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng thị trường có thể sẽ gặp áp lực chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư, song các dữ liệu tích cực đang là trợ lực hỗ trợ cho kỳ vọng thu nhập của thị trường.
Với các yếu tố kéo và đẩy đang khá cân bằng, chuyên gia VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.210-1.290 trong tháng 3 này.
Hạn chế dùng đòn bẩy
Ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm. Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn.
Dòng tiền theo đó có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap), ông Hinh nhận định.
Còn ông Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư đang có tỉ trọng tiền cao, không sử dụng vay ký quỹ (margin) có ý định đầu tư trung hạn trở lên có thể tích lũy những cổ phiếu nền tảng và hạn chế đầu tư những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ.
Với nhà đầu tư thích lướt sóng ngắn hạn, không sử dụng margin có thể ưu tiên hàng có sẵn để lướt sóng với tỉ trọng vừa phải, nhưng phải có khả năng kiểm soát rủi ro tốt.
Trong khi bà Nguyễn Thị Phương Lam lại khuyến nghị nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận khi cổ phiếu nắm giữ đạt mức sinh lời hợp lý cho khung thời gian đầu tư ngắn - trung hạn. Trạng thái danh mục nên tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức để tránh những phiên sụt giảm bất ngờ.
Dòng tiền ngoại bao giờ quay lại?
Chuyên gia VDSC cho rằng dòng tiền rẻ và câu chuyện nâng hạng thị trường đã giúp thị trường chứng khoán thăng hoa vừa qua.
Dòng tiền cũng đã có xu hướng lan tỏa sang các nhóm ngành và cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng đang ở vùng định giá hấp dẫn, thay vì chỉ co cụm ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Thị trường kỳ vọng sẽ đón nhận thêm các thông tin mang màu sắc khả quan nhiều hơn là bi quan. Đầu tiên, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tiến thêm một bước nhỏ, là thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống chứng khoán KRX trong tháng 3.
Kết hợp với dòng tiền rẻ còn hiện hữu, yếu tố này sẽ tạo sự tích cực cho thị trường chứng khoán.
Chuyên gia cũng kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với triển vọng lợi nhuận và định giá hấp dẫn tại thời điểm hiện tại sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền ngoại, khi chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn được thay thế bằng một lộ trình giảm lãi suất rõ ràng hơn, được kỳ vọng bắt đầu từ nửa sau năm 2024.