Khối lượng khớp lệnh FLC biến động mạnh trong phiên chiều, cuối phiên đạt 18 triệu cổ phiếu, tương ứng 65 tỷ đồng. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng giải ngân nhiều vào cổ phiếu này, dẫn đến tình trạng dư mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu lúc chốt phiên.
Tương tự FLC, cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông dược HAI cũng đảo chiều từ giá sàn lên giá trần và không có bên bán lúc đóng cửa. HAI chốt phiên tại giá 1.580 đồng, cắt đứt chuỗi giảm sâu ba phiên trước đó.
Ngoài biến động mạnh, hai cổ phiếu này còn có điểm chung là sẽ bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) từ ngày mai. Thời điểm giao dịch trở lại chưa được ấn định mà phụ thuộc vào việc công ty khắc phục các vi phạm về công bố thông tin.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch trở lại khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng.
Theo ông Chi, các cổ đông, nhà đầu tư của những doanh nghiệp này cần có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm.
Các cổ phiếu khác liên quan đến FLC như ART, AMD, KLF hôm nay cũng tăng vọt lên giá trần và "trắng bên bán". So với vùng giá cuối tháng 3 - thời điểm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt - những mã này đều mất trên 70%.
Đà tăng của những cổ phiếu "họ" FLC ngược dòng với diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay. VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp, mất gần 9 điểm về dưới vùng 1.235 điểm. Các mã vốn hoá vừa và nhỏ giữa phiên bị bán mạnh trong khi VN30 là trụ đỡ, nhưng đến phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), hầu hết đều chuyển sang sắc đỏ. Số cổ phiếu giảm hôm nay xấp xỉ 320 mã, gấp đôi lượng cổ phiếu tăng.
Thanh khoản thị trường hơn 14.200 tỷ đồng, giảm khoảng 6.000 tỷ đồng so với hôm qua. Tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. HPG và NVL đứng đầu về thanh khoản khi đạt lần lượt 470 và 450 tỷ đồng.
Sau chuỗi xả hàng 7 phiên liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng. Nhóm này giải ngân gần 650 tỷ đồng, chủ yếu vào HPG, DGC và MWG.