Đóng cửa, VN-Index giảm 8,57 điểm (0,69%) về 1.234,6 điểm, HNX-Index giảm 1,9 điểm (0,67%) về 282,15 điểm., UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (0,08%) xuống 90,31 điểm.
Kịch bản thị trường phiên trước lại quay lại khi áp lực bán dâng cao sau 14h00 và đánh đổ mọi nỗ lực nâng đỡ chỉ số trước đó. VN-Index đóng cửa ở mốc 1.234,6 điểm, giảm hơn 8 điểm tương ứng 0,69%. Thị trường hôm nay dao động biên độ rất lớn khi 2 lần hồi chạm mốc 1.250 điểm sau đó đóng cửa với mức thấp nhất trong phiên, gần sát hỗ trợ MA50.
Hai nhím ngành tiêu biểu đi ngược lại thị trường trong phiên hôm nay có thể kể đến ngành phân đạm và bán lẻ, còn lại các ngành khác đều tương quan tăng giảm cùng pha với VN-Index trong phiên. Lực cầu còn yếu và không có ngành dẫn sóng là thực trạng của VN-Index phiên hôm nay mặc dù đã có những nỗ lực phục hồi nhất định.
Nhà đầu tư được khuyến nghị cần quan sát thêm những tín hiệu rõ ràng hơn từ phía thị trường, đặc biệt là quanh ngương MA50 tương ứng 1.230 +/- 5 điểm của VN-Index, nếu có lực bắt đáy và rút chân tại đây có thể sẽ hình thành đáy ngắn hạn.
Tính đến 13h50, VN-Index tăng 6,1 điểm (0,49%) lên 1.249,27 điểm.
Thị trường phiên chiều xuất hiện tín hiệu hồi phục từ nhóm phân bón hóa chất với loạt mã tăng điểm như DCM (+4,1%), DGC (+3,3%), DPM (+3,1%), CSV (+2,3%), BFC (+1,4%), LAS (+0,8%),... VN-Index cũng có nhịp hồi thứ hai trong phiên lên vùng 1.250 điểm.
Theo quan sát cổ phiếu HVN giảm sàn ngay sau thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã gửi công văn lưu ý Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ đơn vị cổ phiếu HVN vì liên tục báo lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 1,33 điểm (0,11%) lên 1.244,5 điểm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (0,32%) về 283,14 điểm, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,18%) đạt 90,54 điểm.
VN-Index hồi phục và kết phiên sáng xanh nhẹ trên tham chiếu. Thị trường phiên sáng đã có lúc về test lại quanh mốc 1.237 song lực cầu bắt đáy đã giúp chỉ số chính hồi phục và đóng cửa không vi phạm MA50, tuy nhiên dòng tiền chưa có sự lan tỏa hồi phục đều giữa các ngành mà vẫn chỉ tập trung vào một số dòng cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, bia & đồ uống, bán lẻ, hóa chất, điện,...
Về cơ bản tâm lý thị trường đã dần ổn định lại sau phiên rơi mạnh, phiên hôm nay trong nước không có hiện tượng bán tháo. Giao dịch khối ngoại thậm chí đã trở lại tích cực hơn với việc mua ròng nhẹ trên HOSE phiên sáng nay. Tâm điểm hút vốn ngoại là HPG (47,5 tỷ đồng), DGC (20,6 tỷ đồng), NLG (11,2 tỷ đồng),..
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 1,59 điểm (0,13%) còn 1.241,58 điểm, VN30-Index tăng 2.07 điểm (0,16%) lên 1.271,02 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên sáng duy trì biến động trong biên hẹp đến giữa phiên sáng. Chỉ số chính chủ yếu được giữ nhịp nhờ sắc xanh của nhóm vốn hóa lớn, trong khi độ rộng sàn HOSE nghiêng hoàn toàn về bên bán với số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng, thậm chí 1 số mã giảm kịch sàn.
Sau phiên điều chỉnh mạnh hôm qua thì thanh khoản sáng nay có phần sụt giảm nhẹ và tâm lý giao dịch cũng khá ảm đạm khi đa số các nhóm ngành đều gặp áp lực bán vào cuối phiên sáng.
Sau quyết định nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng, NHNN yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, cổ phiếu "vua" vẫn là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường chung với mức tác động giảm hơn 1 điểm lên VN-Index. Ngoài HDB, VIB, NVB, TCB xanh nhẹ trên tham chiếu, EIB, NAB, OCB, PGB, VAB, VPB đứng giá tham chiếu, các mã còn lại đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Tính đến 9h50, VN-Index tăng 0,05 điểm lên 1.243,22 điểm, HNX-Index giảm 0,59 điểm (0,21%) xuống 283,47 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,16%) lên 90,52 điểm.
Đầu phiên VN-Index tăng mạnh đồng pha với nhịp hồi phục của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, áp lực bán tại khu vực 1.250 tiếp tục trở thành lực cản mạnh khiến chỉ số thu hẹp đà tăng và rơi về ngưỡng tham chiếu sau 50 phút giao dịch.
Nhóm vốn hóa lớn giao dịch tương đối giằng co với 13 mã tăng/13 mã giảm. Trong đó nỗ lực gồng đỡ chủ yếu đến từ VIC, MSN, SAB. Trong khi GAS, VCB và NVL là 3 lực cản chính của thị trường.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 7/9 đồng loạt khởi sắc khi lợi suất trái phiếu và giá dầu cùng đi xuống, xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ lạm phát cao dai dẳng.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 436 điểm, tương đương 1,4%, và đóng cửa ở 31.581 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên gần 3.980 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11.792 điểm, chấm dứt chuỗi giảm 7 phiên liên tục. Với Dow Jones và S&P 500, đây là phiên tăng thứ 2 trong 8 phiên gần đây.