Chứng khoán

Cổ phiếu doanh nghiệp nuôi heo nổi sóng

Cổ phiếu doanh nghiệp nuôi heo nổi sóng

Nhóm cổ phiếu chăn nuôi, kinh doanh heo có diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Kết phiên 13/5, BAF tăng trần đạt 29.850 đồng/cp, DBC tăng 1,6% và HAG cũng có mức tăng khả quan 3,8%. Trong đó, mức giá của BAF là cao nhất trong gần 2 năm (kể từ tháng 8/2022). Diến biến này trái ngược với thị trường chung, khi VN-Index giảm 4,5 điểm (-0,36%) phiên đầu tuần, về 1.240 điểm.

Thanh khoản tại ba mã này tăng vọt. Trong đó, BAF khớp lệnh đến 13,7 triệu cp, cao nhất kể từ sau phiên 4/1/2022 (hơn 17 triệu cp), gấp 4 lần bình quân năm (khoảng 3 triệu cp mỗi phiên). DBC và HAG cũng ghi nhận thanh khoản cao hơn đáng kể so với trung bình nửa tháng.

Nhìn rộng ra, từ đầu tháng 11/2023 đến nay, BAF, DBC và HAG đã bật tăng lần lượt 30%, 73% và 71%.

Diễn biến BAF, DBC và HAG từ 2022 đến 13/5. (Biểu đồ: TradingView).

Giá heo hơi tăng mạnh trong nhiều tháng

Diễn biến trên dường như hưởng ứng trước đà tăng giá của heo hơi trên thị trường. Cụ thể, theo khảo sát sáng 13/5, giá heo hơi ở khu vực miền Nam tiếp đà tăng ở nhiều nơi so với cuối tuần trước. Đơn cử, giá heo hơi tại Cà Mau tăng 2.000 đồng/kg, hiện đang ở mức 64.000 đồng/kg. Đây cũng là giá thu mua được ghi nhận tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long sau khi tăng 1.000 đồng/kg.

Tính từ đầu năm, mặt bằng giá heo đã tăng đáng kể từ vùng 50.000 đồng/kg lên trên 60.000 đồng/kg.

 

Việc tăng giá heo rõ ràng giúp các doanh nghiệp kỳ vọng đạt doanh doanh thu tốt hơn trước. Không những vậy, hiệu quả hoạt động còn có hưởng lợi khi giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hồi đồng quản trị (HĐQT) của Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) chia sẻ giá nguyên vật liệu chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành heo. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào (như ngũ cốc) đã giảm từ khoảng quý IV/2023. Để từ đó đưa đến con heo cần mất khoảng vài tháng. Như vậy, điểm rơi lợi nhuận khởi sắc của BaF dự kiến từ quý II trở đi.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Tổng quan, theo ông Bá, từ quý II, quý III BaF bắt đầu có lợi thế nhờ giá đầu vào giảm, giá heo hơi tăng, và chủ động về giống. Từ đó, kết quả 2024 được kỳ vọng đi lên.

Bàn yếu tố dịch bệnh, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) nêu việc dịch tả heo châu Phi xuất hiện hơn 100 năm nay nhưng chưa có vacine. Do đó, nếu Dabaco nghiên cứu thành công, giá vacine sẽ rất đắt.

Về giá heo hơi, ông Nguyễn Như So nhận định giá heo hơi năm nay sẽ tăng trở lại vì nguồn cung giảm. Vị chủ tịch cho rằng giá heo hơi trong nước thời gian tới sẽ còn tăng lên khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg ngay cả khi nhu cầu giảm vì tác động của kinh tế khó khăn. Ở thị trường Trung Quốc, nguồn cung năm nay cũng sẽ thiếu vì người dân giảm đàn sau thời gian dài thua lỗ.

Đối với Hoàng Anh Gia Lai, mảng heo dự kiến đạt 1.550 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024, chiếm 20% doanh thu công ty (còn lại 5.540 tỷ đồng tỷ đồng cây ăn trái và 660 tỷ đồng sản phẩm hàng hóa khác).

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nhận định diễn biến giá heo đang tốt, nhưng do năm 2023 công ty tạm dừng đầu tư mới mảng heo. Với chu kỳ heo lên xuống thường hai năm, công ty đang bắt đầu nhân đàn nhờ nguồn tài trợ LPBank, trong đó vay 300 tỷ đồng để tăng đàn heo.

HAGL xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 đạt 1.320 tỷ đồng, theo vị lãnh đạo, là đang thận trọng bởi lập chỉ tiêu vào cuối năm 2023, khi đó vẫn chưa tính đến lợi nhuận mảng heo. Lợi nhuận mảng heo dự kiến có từ quý IV và khả quan trong năm 2025 nếu giá bán vẫn tốt như hiện nay.

Giá thành nuôi công nghiệp khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg. Theo ông Đức, rất tiếc công ty không mạo hiểm từ năm ngoái thì bây giờ đã hưởng trái ngọt. Hiện có hệ thống trang trại lớn và tuyển dụng nhiều kỹ sư cho mảng này. Năm 2025, doanh số heo của Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng có thể vượt qua mảng trái cây.

Câu chuyện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ 

Ở khía cạnh khác, ngoài câu chuyện giá cổ phiều đồng pha với giá heo hơi, cả ba doanh nghiệp đều đã hoặc đang có kế hoạch tăng vốn qua phát hành.

Về kế hoạch huy động vốn, Dabaco dự kiến chào bán tổng cộng 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và chào bán ESOP để huy động vốn cho nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành, trang trại chăn nuôi lợn và trả nợ ngân hàng. 

Chi tiết hơn, Dabaco dự kiến chào bán riêng lẻ hơn 48,4 triệu cp, tương đương 20% số lượng cổ phiếu lưu hành cho nhà đầu tư chiến lược. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn 28.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Dabaco cũng sẽ chào bán 80,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 33,3% số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1. Giá phát hành 15.000 đồng/cp. Ngoài ra, Dabaco còn đề xuất phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động  (ESOP). Trong đó, Dabaco sẽ phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp.

Số tiền thu được từ việc chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1.355 tỷ đồng, Dabaco dự kiến sẽ dùng 931 tỷ đồng để đầu tư vào khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá.

Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư, qua đó thu về số tiền 1.300 tỷ đồng. Ba nhà đầu tư đã rót vốn vào doanh nghiệp gồm cá nhân ông Lê Minh Tâm mua 28 triệu cổ phiếu, chiếm 2,65% vốn công ty, Chứng khoán LPBank đã mua 50 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,73% và Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu để nắm giữ 4,92% cổ phần sau đợt chào bán.

Các nhà đầu tư đã đăng ký và nộp tiền tổng cộng 1.300 tỷ đồng để nhận về 130 triệu cổ phiếu, tương đương giá mua 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng số tiền mới để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu đã phát hành (hơn 330 tỷ đồng), cơ cấu lại các khoản nợ vay tại TPBank cho công ty con Gia súc Lơ Pang (gần 270 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (khoảng 700 tỷ đồng). Sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, công ty nâng vốn điều lệ từ gần 9.275 tỷ đồng lên gần 10.575 tỷ đồng.

Với BaF, công ty đang thực hiện kế hoạch phát hành là 68,4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành 10.000 đồng/cp, tương đương huy động hơn 684 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm