Doanh nghiệp

Cổ phiếu công nghệ lạc nhịp dù các công ty báo lãi kỷ lục

Tập đoàn FPT mang về 3.025 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kỷ lục lợi nhuận mới mà doanh nghiệp này đạt được. Không chỉ FPT, trong quý trước, một số doanh nghiệp trong ngành công nghệ, viễn thông cũng tăng trưởng về mặt lợi nhuận.

Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) ghi nhận mức lãi kỷ lục mới, đạt 967 tỷ đồng, tăng 17%. Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC tăng trưởng trong quý trước và có lợi nhuận lớn trong lịch sử ở niên độ tài chính 2024-2025, ở mức 502 tỷ đồng.

Lãi lớn nhưng cổ phiếu của các công ty công nghệ, viễn thông lại giảm so với thị trường chung. Từ đầu năm, VN-Index đã tăng gần 4%, đạt 1.313 điểm nhưng những cổ phiếu nhóm này lại đi xuống hàng chục phần trăm. Ví dụ, FPT đã giảm 23%, CMG đi xuống 32% hay thị giá CTR mất 27,7%...

So với ngày 9/4 - phiên cuối cùng thị trường giảm sâu do những tác động từ thuế quan của Mỹ, các cổ phiếu công nghệ cũng không phục hồi bằng VN-Index. FPT, CMG, CTR đều phục hồi khoảng 10% sau "cú rơi" từ ngày 9/4 nhưng VN-Index đã tăng hơn 20% trong cùng khoảng thời gian.

Nói với VnExpress, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng các cổ phiếu công nghệ, viễn thông đã tăng mạnh trong năm 2024, thu hút được dòng tiền lớn. Điều này khiến chỉ số giá thị trường trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của một số mã trong ngành này đang ở mức cao.

Trong năm 2024, nhiều cổ phiếu công nghệ, viễn thông ghi nhận mức tăng trưởng cao. Ví dụ, FPT đã tăng gần 82%, CTR tăng 41% hay CMG tăng 26%, qua đó P/E các mã này chạm ngưỡng 20-30 lần.

Ông Ngọc nhận định mức P/E của nhóm này đã cao lớn hơn thị trường chung, khoảng 12 lần. "Mặc dù cổ phiếu công nghệ, viễn thông có điều chỉnh nhưng định giá vẫn cao so với mặt bằng chung. Mức tăng năm 2024 đã phản ánh hết tiềm năng, câu chuyện của nhóm này", chuyên gia từ CSI nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng có cùng nhận định. Chuyên gia này cho biết với mức tăng trong năm 2024, các mã trong nhóm công nghệ, viễn thông đã trở thành những "siêu cổ phiếu". Vì vậy, sau khi thành những "siêu cổ phiếu", mã nào cũng sẽ có giai đoạn điều chỉnh, tạo mặt bằng giá mới.

Một nguyên nhân khiến cổ phiếu nhóm công nghệ, viễn thông đi xuống năm nay là sự phân tán của dòng tiền. Theo ông Nguyễn Thế Minh, năm ngoái, VN-Index dao động quanh 1.200-1.300 điểm, chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư chỉ tập trung ở một số ít nhóm ngành, trong đó có công nghệ và viễn thông.

Năm 2025, xu hướng mua cổ phiếu công nghệ không còn, nhà đầu tư đã giải ngân sang các nhóm khác mà không chỉ tập trung vào một ngành. "Dòng tiền của nhà đầu tư năm nay trải dài ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... thay vì chỉ công nghệ viễn thông như năm ngoái", ông Thế Minh cho biết.

Từ đầu năm, thị trường chứng khoán có nhiều cổ phiếu tăng hàng chục phần trăm, trải dài ở nhiều nhóm ngành và vượt mức tăng của VN-Index như VIC, VHM, VPL, NVL (bất động sản), TCB, STB, SHB (ngân hàng) hay VIX, VND, CTS (chứng khoán). Trong số này không có các mã nhóm công nghệ, viễn thông.

Ngoài những nguyên nhân này, ông Nguyễn Thế Minh cho biết một số công ty công nghệ còn đầu tư ra nước ngoài, ở các thị trường như Nhật Bản, Mỹ... Tuy vậy, GDP của nhiều thị trường lớn đã giảm trong quý I, khiến việc "kiếm tiền" từ các nước này sẽ khó hơn. Điều này khiến khả năng tăng trưởng của nhóm công nghệ bị ảnh hưởng.

Ví dụ FPT, trong quý I/2025, thị trường nước ngoài chiếm một nửa nguồn thu của doanh nghiệp này. Trong đó, hai thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, cũng trong quý đầu năm, GDP của Nhật Bản đã giảm 0,2%, còn GDP của Mỹ tăng trưởng âm 0,3%.

Trong tháng 4 năm nay, FPT báo lãi ròng chỉ tăng 10%, trong khi các quý trước là trên dưới 20%. Theo FPT, bối cảnh hiện chưa ghi nhận tín hiệu cải thiện rõ rệt do bất ổn kinh tế và địa chính trị tiếp tục khiến các doanh nghiệp toàn cầu trở nên thận trọng hơn trong các quyết định chi tiêu cho công nghệ thông tin.

Diễn biến cổ phiếu công nghệ, viễn thông phiên 23/5. Ảnh: Trọng Hiếu

Diễn biến cổ phiếu công nghệ, viễn thông phiên 23/5. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo ông Nguyễn Thế Minh, hiện chưa phải thời điểm bứt phá của nhóm công nghệ, viễn thông. Cổ phiếu công nghệ sẽ phù hợp với hơn những người ưa thích đầu tư dài hạn, thay vì lướt sóng. Tuy nhiên, việc "xuống tiền" với nhóm này sẽ không tối ưu nguồn vốn ở thời điểm hiện tại.

Chuyên gia đến từ Yuanta cũng cho rằng nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu công nghệ, viễn thông nên chờ nhóm này chiết khấu thêm. "Tôi cho rằng đà giảm cổ phiếu hai nhóm này có thể chưa dừng lại", ông Thế Minh nói.

Còn với ông Đỗ Bảo Ngọc, thay vì chọn nhóm công nghệ, nhà đầu tư nên chuyển hướng sang những nhóm ngành khác có định giá thấp hơn. Ông ví dụ như ngân hàng, một số mã có P/E dưới mức 12 lần của thị trường, thanh khoản tốt, duy trì lợi nhuận lớn ổn định. Một số nhà băng có P/E nhỏ hơn 12 lần như SHB, TCB, VCB, CTG...

Chuyên gia này cho biết mỗi năm thị trường có một chủ đề để đầu tư. Những "sao sáng" là các cổ phiếu "họ Vingroup" gồm VIC, VHM, VPL, VRE... hay nhóm đầu tư công - ngành được hưởng lợi nhờ việc Chính phủ đẩy mạnh các dự án trên toàn quốc. Ông Ngọc cũng nhận định cổ phiếu công nghệ, viễn thông vẫn là câu chuyện hấp dẫn trong tương lai, nhưng định giá hiện tại vẫn cao.

Các tin khác

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

Room ngoại nới rộng: "Chìa khóa" cho tăng trưởng ngân hàng?

Theo các chuyên gia, động thái nới room ngoại được kỳ vọng sẽ tạo dư địa mới cho HDBank, MB và VPBank trong việc huy động vốn chiến lược, phục vụ mục tiêu tăng trưởng tài sản mạnh mẽ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn trong bối cảnh nhu cầu vốn trung dài hạn ngày càng lớn.

Bộ Tài chính có hơn 10.400 người nghỉ hưu trước tuổi

Bộ Tài chính được bổ sung hơn 11.400 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho hơn 10.400 người nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 và Nghị định số 67. Bộ Tài chính sau hợp nhất đã giảm 3.600 đầu mối cấp phòng, ban. Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất.

The Zenith Hải Phòng: Làn gió mới thổi vào thị trường bất động sản thành phố Cảng

Vừa qua, Công ty CP Thương mại BĐS HP đã chính thức giới thiệu dự án The Zenith Hải Phòng ra thị trường. Đây là sự kiện đáng chú ý khi lần đầu tiên thành phố Cảng xuất hiện dự án căn hộ cao cấp được phát triển theo mô hình sống Green – Smart – Clean, hứa hẹn sẽ kiến tạo phong cách sống đỉnh cao cho cư dân tiên phong.