Khá giống phiên hôm qua, chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trên tham chiếu rồi nhanh chóng hạ độ cao khi thiếu động lực. Chỉ số này vượt 1.294 điểm sau khoảng một giờ đầu giao dịch, nhưng nhanh chóng mất đà khi thị trường không có nhóm dẫn dắt, thanh khoản yếu. Đến gần giờ nghỉ trưa, chỉ số chứng khoán lùi về quanh khung tham chiếu.
Thị trường tiếp tục lình xình vào đầu giờ chiều. Đến khoảng 14h khi thanh khoản có dấu hiệu tăng, chỉ số của sàn HoSE mới bước vào đà giảm liên tục, có lúc sát dưới 1.280 điểm. Nhìn chung biên độ điều chỉnh không quá sâu, VN-Index chốt ở trên 1.281 điểm, sụt hơn 5 điểm so với phiên đầu tuần.
Nhiều phiên liền, chỉ số này liên tiếp chùn bước trước ngưỡng 1.300 điểm. Trong báo cáo hôm qua, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index đang duy trì trong vùng giá 1.280-1.300 điểm và chịu áp lực điều chỉnh lại vùng hỗ trợ 1.280 điểm. Trong trường hợp tích cực, nếu thị trường vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn, có thể kỳ vọng lên lại kháng cự 1.300 điểm.
"Đây là vùng kháng cự rất mạnh tương ứng đỉnh giá các tháng 6-8/2022 cũng như từ đầu năm đến nay. VN-Index có thể vượt kháng cự mạnh này trong thời gian tới khi có sự đồng thuận tăng trưởng của các nhóm ngành", nhóm phân tích này nêu quan điểm.
Ở phiên giao dịch hôm nay, toàn sàn HoSE có 280 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn hẳn so với 105 cổ phiếu tăng. Rổ VN30 có tác động đáng kể tới thị trường khi nhiều mã như VHM, GVR, PLX, VIC dẫn đầu nhóm làm VN-Index mất điểm.
Bên cạnh những mã trụ riêng lẻ nêu trên, chứng khoán - nhóm cổ phiếu có độ nhạy cảm cao trước kỳ vọng của thị trường - gây áp lực lớn cho chỉ số chung. Toàn bộ mã đạt thanh khoản trăm tỷ đều giảm giá như SSI, HCM, VND, VCI và VIX với mức điều chỉnh quanh 1,4-2,3%. Các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc ngành này cũng đi lùi so với tham chiếu.
Tuy nhiên thị trường cũng ghi nhận một số bệ đỡ như BID, VPB hay MWG với mức tăng quanh 1%. Sàn HoSE còn ghi nhận 4 mã tăng trần nhưng thanh khoản nhỏ giọt, nổi bật nhất là QCG. Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai đã đạt sắc tím hai phiên liên tiếp.
Thanh khoản đi lùi cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM ghi nhận hơn 16.600 tỷ đồng, giảm hơn 1.600 tỷ. Đây đã là phiên thứ 8 liên tiếp, thanh khoản sàn này dưới 20.000 tỷ.
Hôm nay khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 570 tỷ đồng. Tâm điểm xả hàng của họ là KDC và FPT.
Với thị trường Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp tục giảm gần 2 điểm. Các mã thuộc nhóm chứng khoán, dầu khí và bất động sản ảnh hưởng mạnh tới sàn này. Nổi bật là PVS, SHS, MBS và CEO khi điều chỉnh quanh 1,9-2,6%.