Tài chính

Cơ hội nào cho Romania và Bulgaria khi trở thành thành viên đầy đủ của Schengen?

Romania và Bulgaria sẵn sàng cho thời khắc lịch sử

Liên minh châu Âu đã chính thức chấp thuận Bulgaria và Romania là thành viên đầy đủ của khu vực Schengen. Quyết định được công bố tại cuộc họp của các Bộ trưởng nội vụ EU tại Brussels, sau khi hai nước này được cho phép gia nhập một phần Schengen bằng đường hàng không và đường biển vào tháng 3 năm nay. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Bulgaria và Romania sẽ gia nhập Schengen bằng đường bộ, hoàn tất quá trình hội nhập vào khu vực tự do đi lại của EU.

Cơ hội nào cho Romania và Bulgaria khi trở thành thành viên đầy đủ của Schengen?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter và Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Atanas Ilkov tại Brussels, ngày 12/12. Ảnh: EPA

Trước thông tin này, Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria cho biết Biên giới Bulgaria-Romania sẽ được kiểm soát tạm thời trong 6 tháng tiếp như một phần của các biện pháp để đảm bảo tình hình an ninh. Ông trấn an rằng các cuộc kiểm tra này sẽ được tiến hành có chọn lọc, dựa trên đánh giá rủi ro, để tránh làm gián đoạn, ùn tắc giao thông ở khu vực biên giới sau khi nước này được gia nhập vào Schengen. Bulgaria cũng sẽ đóng góp nhân sự, đặc biệt là việc triển khai lực lượng biên phòng ở các khu vực chịu trách nhiệm sau khi gia nhập.

Bên cạnh đó, việc gia nhập hoàn toàn vào Khu vực Schengen sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế thương mại và du lịch, tăng sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến không chỉ đối với khách du lịch châu Âu, mà đặc biệt là đối với những người từ những khu vực khác trên thế giới.

Về phía Romania, Tổng thống nước này khẳng định quyết định là sự ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ trong nhiều năm qua của Romania trên con đường gia nhập khối Schengen. Đại diện của Hiệp hội các công ty lữ hành quốc gia Romania (ANAT) và người dân bày tỏ vui mừng việc Romania gia nhập hoàn toàn vào khu vực Schengen từ đầu năm tới.

Quyết định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho du lịch Romania và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước này trong việc đi lại cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành du lịch của Romania.

Tổng thư ký Liên đoàn các nhà tuyển dụng trong ngành dịch vụ khách sạn tại Romania (FPIOR), cho biết, việc Romania gia nhập Schengen không chỉ mang lại những lợi ích đáng kể cho các ngành du lịch mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, vận tải và nông nghiệp, nhờ vào quyền tự do đi lại của công dân và thời gian di chuyển ngắn hơn.

Theo báo cáo của tổ chức này, việc Romania gia nhập Khu vực Schengen có thể giúp GDP của nước này tăng tới 2% vào năm 2025 và những lợi ích to lớn khác trong 10 năm tới.

Nút thắt được gỡ bỏ

Sau 17 năm kể từ khi Romania và Bulgaria gia nhập Liên minh châu Âu, tới nay hai nước mới được chấp thuận để trở thành thành viên chính thức của khu vực Schengen. Đây là dấu mốc quan trọng đối với bước phát triển tiếp theo của hai quốc gia cũng như tạo tiền đề cho sự hội nhập sâu rộng vào châu Âu. Điều này cũng đáp ứng được mong mỏi nhiều năm qua của người dân hai quốc gia này.

Để tháo gỡ vướng mắc tồn tại trong hơn thập kỷ qua, hai quốc gia này đã phải trải qua một giai đoạn thử thách sau khi bị một số quốc gia bỏ phiếu không chấp thuận. Dù được gia nhập một phần vào Schengen từ tháng 3 vừa qua nhưng hai nước này đã nỗ lực tăng cường các hoạt động kiểm soát biên giới trên bộ, thúc đẩy các cuộc đàm phán và cải thiện quan hệ với các quốc gia chưa ủng hộ, và mãi tới tháng trước, Áo và Hà Lan mới nhất trí chấp thuận cho hai nước này gia nhập khu vực Schengen.

Từ lâu, Romania và Bulgaria nằm trên các tuyến đường chính buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người trái phép từ các khu vực bên ngoài EU. Dù được sự ủng hộ của đa số quốc gia EU, thậm chí Ủy ban Châu Âu từng khẳng định sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng rằng hai quốc gia này đáp ứng mọi yêu cầu để được gia  nhập Schengen.

Tuy nhiên, trước nguy cơ an ninh từ các dòng người di cư vào châu Âu ngày càng gia tăng do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột, Áo đã phản đối quyết liệt việc Bulgaria và Romania gia nhập Schengen. Nước này cũng viện dẫn những lo ngại về khả năng kiểm soát và ngăn chặn dòng người di cư gia tăng ở biên giới. Giải quyết được vấn đề này với Áo cũng là mở nút thắt quan trọng để hai quốc gia này được chấp thuận vào Schengen.

Sau nhiều vòng đàm phán, được sự hỗ trợ từ Ủy ban châu Âu và chủ tịch luân phiên của EU là Hungary, sự phản đối của Áo đã dịu đi sau khi chứng kiến số lượng người di cư vào Áo qua hai quốc gia này giảm đáng kể, từ 70.000 vào tháng 10 năm ngoái xuống còn 3.000 trong cùng kỳ năm nay. Đây cũng là yếu tố quyết định để Áo chấp thuận dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria. Tương tự như vậy, Hà Lan mặc dù cũng bày tỏ sự dè dặt về các vấn đề liên quan đến tham nhũng và tội phạm có tổ chức, buôn người… nhưng cuối cùng đã từ bỏ sự phản đối của mình về việc gia nhập này.

Sự kiện Bulgaria và Romania hội nhập hoàn toàn vào Schengen sẽ đánh dấu thời điểm quan trọng trong hành trình EU của hai quốc gia, mở đường cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ cho hai nước mà còn cho cả khu vực EU.

Romania và Bulgaria hưởng lợi gì khi trở thành viên đầy đủ của Schengen?

Việc Romania và Bulgaria trở thành thành viên đầy đủ của Schengen được coi là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với Liên minh châu Âu và các quốc gia trong khối Schengen, vì nó củng cố sự gắn kết nội bộ của các quốc gia trong khu vực và mang lại nhiều cơ hội hơn cho kinh tế thương mại của khối. Động thái này dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch xuyên biên giới, nâng cao hợp tác kinh doanh và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả vấn đề an ninh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục…

Trước hết, trở thành thành viên của khối Schengen sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế của 2 quốc gia, chứng tỏ Bulgaria và Romania phù hợp đối với các tiêu chuẩn châu Âu về tự do đi lại và hợp tác. Tiếp đó, được gia nhập vào khối Schengen sẽ là cú hích lớn cho nền kinh tế Bulgaria và Romania trên nhiều lĩnh vực.

Doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng lợi nhờ việc rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa. Với việc dỡ bỏ kiểm soát biên giới, các cửa khẩu biên giới sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng chậm trễ kéo dài, giảm đáng kể chi phí vận chuyển, cải thiện hiệu quả hoạt động thương mại và giao lưu văn hóa.

Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ đứng trước cơ hội to lớn khi du khách từ khắp châu Âu có thể dễ dàng đến thăm hai quốc gia này. Đặc biệt, công dân Bulgaria và Romania sẽ có thêm nhiều cơ hội để tự do đi lại, học tập và làm việc trong khu vực Schengen rộng lớn.

Giới chính trị gia châu Âu cho rằng, quyết định này được đánh giá là mang tính lịch sử và có tác động kinh tế đa chiều. Chủ tịch luân phiên của EU, Hungary, gọi đây là chiến thắng lớn cho Bulgaria, Romania và châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cũng ca ngợi động thái này, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với sự hội nhập châu Âu. Quyết định này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới đối với công dân và doanh nghiệp của hai nước.

Bên cạnh đó, mặc dù nguyên tắc biên giới mở là cơ bản, các quốc gia Schengen có thể tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới trong trường hợp có lo ngại về an ninh quốc gia hoặc các mối đe dọa trật tự công cộng. Sự linh hoạt này đảm bảo rằng các quốc gia riêng lẻ có thể ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong khi vẫn duy trì các mục tiêu rộng hơn của Hiệp định Schengen.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm