Động thái của Fed diễn ra trong bối cảnh không chắc chắn về lạm phát và các kế hoạch kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Vàng, chứng khoán lao dốc
Trong hai năm qua, Fed kiểm soát lạm phát hiệu quả bằng cách tăng lãi suất mà không ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng hay việc làm. Gần đây, Fed chuyển sang cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu kinh tế và hỗ trợ thị trường lao động.
Tuy nhiên sau lần thứ ba cắt giảm lãi suất, Fed phát tín hiệu sẽ giảm tốc độ cắt giảm vào năm 2025, làm dấy lên lo ngại về lạm phát kéo dài. Thông điệp này khiến đồng USD tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong hơn hai năm vào ngày 19-12, trong khi chứng khoán toàn cầu lao dốc, phản ánh sự bất ổn từ tín hiệu của Fed.
Các đồng tiền tại châu Á bao gồm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yen của Nhật đã giảm mạnh so với USD, trong khi đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm. Các chỉ số chứng khoán của khu vực này mở cửa giảm điểm trong ngày 19-12, sau khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày hôm trước.
Chứng khoán Mỹ trải qua một trong những ngày tồi tệ nhất năm vào hôm 18-12. Chỉ số S&P 500 giảm 2,9% xuống 5.872 điểm, Dow Jones giảm 2,58% còn 42.326 điểm và Nasdaq Composite giảm 3,6% còn 19.392 điểm. Theo Reuters, giá vàng thế giới giao ngay có lúc giảm 2,1% còn 2.589,91 USD/ounce trong ngày 18-12, mức thấp nhất kể từ ngày 18-11.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tiến triển trong việc giảm lạm phát, vốn vẫn ở mức cao. Phát biểu này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu cân nhắc đến những thay đổi kinh tế sâu rộng trong bối cảnh dưới thời Tổng thống Trump.
"Chúng ta đang ở một vị thế tốt, nhưng tôi cho rằng từ giờ sẽ bước vào một giai đoạn mới và chúng tôi sẽ thận trọng với các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo", ông Powell nói. Lời nhắc nhở thận trọng này đã làm rung chuyển Phố Wall, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh và lợi suất trái phiếu tăng cao.
Thông điệp từ Fed cho thấy lãi suất tại Mỹ có thể duy trì ở mức cao lâu hơn, hút vốn khỏi các thị trường khác. Điều này giáng đòn mạnh vào các thị trường châu Á và mới nổi, nơi giới đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ sớm giảm.
Còn quá sớm để kết luận
Fed tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 và 2023 để kiểm soát lạm phát cao, nhưng từ tháng 9 năm nay đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm, khởi đầu với mức giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) khi lạm phát hạ nhiệt. Ngân hàng Trung ương Mỹ gọi đây là "sự hiệu chỉnh" chính sách, thể hiện thành công trong việc kéo lạm phát xuống từ mức đỉnh năm 2022.
Theo các dự báo mới, giới chức Mỹ kỳ vọng chỉ số giá PCE lõi (chi tiêu tiêu dùng cá nhân, không bao gồm thực phẩm và năng lượng) sẽ ở mức 2,5% vào năm 2025, giảm so với 2,8% của năm nay. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed.
Quyết định cắt giảm lãi suất mới nhất của Fed được đưa ra chỉ vài tuần trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, mang theo cam kết tăng thuế quan đối với hàng hóa, trục xuất người nhập cư cùng các chính sách cắt giảm thuế và quy định.
Theo thăm dò của Financial Times, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những chính sách này có thể làm gia tăng lạm phát và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cũng dự báo việc áp thuế quan cao hơn sẽ đẩy lạm phát tăng và làm chậm đà tăng trưởng.
Dù ông Powell bày tỏ sự tự tin rằng áp lực giá cả sẽ tiếp tục giảm, ông cũng thừa nhận các nhà hoạch định chính sách và thành viên Fed đã bắt đầu cân nhắc tác động từ những cam kết của ông Trump - bao gồm tăng thuế quan, cắt giảm thuế và siết chặt chính sách nhập cư - đến triển vọng kinh tế.
Tuy nhiên ông Powell lưu ý: "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Chúng tôi chưa biết mặt hàng nào sẽ bị đánh thuế, các quốc gia bị ảnh hưởng, thời gian áp thuế hay mức thuế cụ thể. Cũng chưa rõ liệu có xảy ra các đòn thuế trả đũa hay không. Hiện Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đang thảo luận các kịch bản và xem xét cách thuế quan có thể tác động đến lạm phát".
Sẽ chỉ có 2 lần cắt giảm trong năm 2025?
Fed dự kiến chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm 2025, giảm so với kế hoạch ban đầu là bốn lần. Ông Jean Boivin, giám đốc Viện đầu tư BlackRock, bình luận: "Với nguy cơ lạm phát tăng trở lại do các mức thuế quan thương mại và sự chậm lại trong dòng người nhập cư vốn làm giảm áp lực lên thị trường lao động, giờ đây kỳ vọng của thị trường về việc chỉ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa vào năm 2025 đang có vẻ hợp lý".
Giá vàng miếng SJC bốc hơi 1 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới biến động mạnh sau khi Fed giảm lãi suất 0,25%. Ban đầu giá giảm gần 60 USD/ounce, từ 2.650 xuống 2.590 USD/ounce, nhưng sau đó hồi phục lên 2.624,9 USD/ounce vào cuối ngày 19-12, tăng 40 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá ngân hàng, giá vàng đạt khoảng 80,7 triệu đồng/lượng.
Trong nước, giá vàng cũng lao dốc mạnh. Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng SJC ngày 19-12 ở mức 84,1 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 18-12. Giá mua vào cũng giảm tương ứng, còn 82,1 triệu đồng/lượng. Mức giá này giữ nguyên tới cuối ngày.
Trong khi đó giá vàng nhẫn 9999 cũng lao dốc từ 84,5 triệu đồng/lượng xuống 83,8 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 700.000 đồng, trong khi giá mua vào giảm 900.000 đồng/lượng. Tuy nhiên đến cuối ngày 19-12, giá vàng nhẫn 9999 tăng trở lại 100.000 đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng đồng loạt giảm giá mua bán vàng nhẫn. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giảm giá bán vàng nhẫn từ mức 85,03 triệu đồng/lượng xuống còn 84,03 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 1 triệu đồng/lượng; giá mua vào ở mức 82,83 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 900.000 đồng/lượng.
Đến cuối ngày, giá bán vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ 70.000 đồng/lượng, lên 84,1 triệu đồng/lượng (bán ra) và 83,1 triệu đồng/lượng (mua vào). Công ty DOJI niêm yết giá vàng nhẫn cuối ngày 19-12 ở mức 84,05 triệu đồng/lượng, giá mua vào còn 83,05 triệu đồng/lượng.
Với mức giá hiện tại, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 3,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cao hơn 3,2 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán Việt "nhuộm đỏ" sau thông tin từ Fed
Dù Fed đã hạ lãi suất thêm 0,25% nhưng cũng phát tín hiệu sẽ giảm tốc độ và tần suất nới lỏng tiền tệ năm tới. Điều này khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á phản ứng kém tích cực, và Việt Nam không ngoại lệ.
Mở cửa phiên sáng 19-12, VN-Index giảm một mạch gần 12 điểm, sau đó biên độ thu hẹp về gần trưa. Sang phiên chiều, lực mua và bán dần cân bằng, trạng thái bán tháo hoảng loạn không xuất hiện. Đóng cửa, VN-Index lùi xuống 1.254,67 điểm - giảm hơn 11 điểm so với hôm trước và đây cũng là mức giảm mạnh nhất một tháng trở lại đây.
Thống kê ở thời điểm kết phiên, cả ba sàn có 441 mã giảm giá đối trọng 243 cổ phiếu tăng giá, có tới gần 900 mã không "nhúc nhích". Riêng trên HoSE, số mã mất điểm gấp 4,3 lần số mã tăng giá khiến độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tiêu cực.
Ở phiên này, khối ngoại bán ròng với hơn 500 tỉ đồng trên toàn thị trường, tâm điểm là cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng như SSI, VPB của VPBank, VCB của Vietcombank, VCI của Vietcap, BID của BIDV và một số mã bất động sản, thép khác như PDT của Bất động sản Phát Đạt, HPG của Hòa Phát.
Trước diễn biến của thị trường chứng khoán, chuyên gia phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu ở vùng giá thấp mà cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới.
Ngoài ra chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt cho danh mục đầu tư dài hạn. Mặc dù xác suất rung lắc vẫn hiện hữu, sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy cho thấy thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm.