Trên đời này có 2 kiểu người khi dùng thẻ tín dụng: Một nhóm quẹt thẻ có chiến lược, nên không những không mắc nợ mà còn tiết kiệm được kha khá nhờ tính năng hoàn tiền; Một nhóm quẹt thẻ có phần mất kiểm soát, nên kết cục thành ra mắc nợ, tiêu cạn hạn mức thẻ nhưng lại chỉ trả được dư nợ tối thiểu.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm kiến thức, quản lý tài chính, tâm sự của một cô vợ từng ở trong nhóm thứ 2, đã khiến nhiều người phải "vỗ tay chúc mừng".
Phấn khởi vì trả được hết 100 triệu nợ thẻ tín dụng trước Tết!
Trong bài đăng của mình, cô hào hứng chia sẻ: "4 tháng trước, mình là người đã từng chia sẻ lương vợ chồng mình là 35 triệu/ tháng, chưa con nhỏ, không mất tiền thuê nhà nhưng vì ham mua sắm, nên nợ mấy thẻ tín dụng đây mọi người ơi!
Tết sắp đến rồi, mình năm nay chẳng có tiền mua sắm nhiều, nhưng mình vui lắm vì mình đã trả hết nợ thẻ tín dụng rồi, Vợ chồng mình cũng sống có kế hoạch hơn, không còn cứ lấy lương là tiêu sài, hết lương rồi dùng thẻ tín dụng nữa".
Trong phần bình luận của bài đăng, ngoài việc chúc mừng vợ chồng cô đã thoát nợ và biết kiểm soát chi tiêu, phần lớn mọi người đều đồng tình rằng: Thẻ tín dụng nếu biết cách dùng thì hoàn toàn có thể giúp chúng ta tiết kiệm được tiền, còn nếu không, khả năng sinh nợ là rất cao.
Vậy mới thấy, thẻ tín dụng tốt hay xấu, tất cả là do cách "cà thẻ" mà thôi.
Vì sao nên tránh xa thẻ tín dụng khi chưa quản lý được chi tiêu?
Nếu biết cách sử dụng và có kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, việc dùng thẻ tín dụng có thể giúp chúng ta tiết kiệm được phần nào, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và sự kỷ luật dùng thẻ tín dụng sinh lời chứ không sinh nợ.
Trong trường hợp bạn chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, hoặc chưa tự tin khẳng định mình có mức thu nhập đủ sống, hãy cân nhắc kỹ 2 yếu tố dưới đây trước khi đưa ra quyết định "có nên dùng thẻ tín dụng" hay không.
1 - Thẻ tín dụng có thể tạo ra ảo tưởng dư dả
Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định khác nhau về lịch sử tín dụng, cũng như mức lương tối thiểu với khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Điểm chung ở đây chính là hạn mức tín dụng có thể cao gấp nhiều lần thu nhập của bạn trong một tháng. Đây chính là cái bẫy ảo tưởng dư dả.
Ví dụ, lương của bạn là 15 triệu/tháng, ngân hàng có thể cấp cho bạn thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu. Điều này không có nghĩa là bạn đang có 50 triệu, nhưng bạn lại có cảm giác như thể mình đang thực sự có 50 triệu. Lúc này, hành vi tiêu dùng của các bạn sẽ nương theo con số 50 triệu; chứ không còn nằm ở 15 triệu nữa.
Và chỉ cần bạn duy trì hành vi tiêu dùng như vậy trong một vài năm, thậm chí là vài tháng, chẳng mấy chốc sẽ đến lúc mức chi tiêu hàng tháng của bạn vượt qua mức thu nhập hàng tháng. Vòng xoáy nợ nần cũng từ đó mà ra.
2 - Bẫy "thanh toán dư nợ tối thiểu"
Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.
Ví dụ: Trong kỳ sao kê vừa qua, bạn chi tiêu hết 20 triệu từ thẻ tín dụng, nhưng bạn lại chẳng có đủ 20 triệu để thanh toán toàn bộ dư nợ. Và thế là bạn lựa chọn thanh toán dư nợ tối thiểu.
Thoạt nghe, việc thanh toán dư nợ tối thiểu tưởng chừng rất có lợi cho những chủ thẻ đã "lỡ tiêu quá nhiều nhưng chẳng trả được bao nhiêu". Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu.
Tuy nhiên, "thanh toán dư nợ tối thiểu" vẫn là 1 cái bẫy, vì khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ, mức lãi suất có thể lên tới 25-40% toàn bộ dư nợ - chính là tổng số tiền bạn đã chi tiêu và chưa trả được trong kỳ sao kê đó.