Lợi nhuận khởi sắc sau thời kỳ khủng hoảng
Giới phân tích cho rằng tín dụng tiêu dùng đã trải qua năm 2023 khốc liệt nhất trong lịch sử và đang có những bước phục hồi rõ nét trong năm 2024.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) - công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất thị trường này đã bắt đầu có lợi nhuận dương trở lại từ quý II với mức lãi trên 145 tỷ đồng, đà tăng trưởng tiếp tục duy trì trong quý III khi lợi nhuận tăng lên khoảng 270 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, khoản lỗ trước thuế của FE Credit tiếp tục thu hẹp từ hơn 707 tỷ đồng cuối quý II về hơn 437 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước, FE Credit từng lỗ tới 3.736 tỷ đồng.
Tại HD Saison, mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục phục hồi trong 9 tháng đầu năm nay, với dư nợ tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ.
Nếu chỉ xét số liệu trong nửa đầu năm nay, HD Saison và Home Credit Việt Nam là hai doanh nghiệp tài chính tiêu dùng lãi lớn nhất thị trường. HD Saison lãi trước thuế 601 tỷ đồng còn Home Credit lãi sau thuế 474 tỷ đồng. Hai ông lớn này cũng đang so kè thứ tự trong Top 3 thị phần tài chính tiêu dùng, chỉ sau FE Credit.
Ngoài các "ông lớn" nói trên, nhiều công ty tài chính tiêu dùng có quy mô nhỏ hơn cũng cho kết quả tích cực hơn trong năm 2024.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) công bố kết quả kinh doanh khởi sắc với 537,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023 và thực hiện được hơn 91% kế hoạch lợi nhuận năm (585 tỷ đồng).
VietCredit cũng cho biết kết quả kinh doanh có tín hiệu khả quan nhờ tập trung tài chính số hoá. Trong quý III/2024, con số lỗ của công ty đã thu hẹp đáng kể chỉ còn 36,5 tỷ đồng, trong khi quý II lõ gần 194 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ hơn 62 tỷ đồng.
Báo cáo của Fiin Group nhận định thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô như sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Fiin Group, tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, có nhiều trường hợp khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng cũng có không ít khách hàng cố tình chây ỳ trả nợ.
Đâu là động lực tăng trưởng?
Nhiều chuyên gia nhận định đà hồi phục rõ ràng của tín dụng bán lẻ nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng trong quý III là nhờ động lực chủ yếu từ tập khách hàng cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh và một phần từ cho vay mua nhà.
Các chuyên gia kỳ vọng tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý IV/2024 và 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô. Theo đó, cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 15% cho năm 2025, ở cả phân khúc bất động sản sơ cấp và thứ cấp khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2024, tín dụng bán lẻ được thúc đẩy bởi một số động lực quan trọng như sự phục hồi của các doanh nghiệp SME, dù với tâm lý thận trọng, đã tạo nên lực đẩy cho nhu cầu vốn.
Báo cáo vĩ mô chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết trong 10 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, cho thấy sự ổn định và cải thiện dần trong năng lực tài chính của các doanh nghiệp.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước đang phục hồi nhanh. 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước…
Đây được cho là những tín hiệu tích cực để các TCTD tung ra nhiều chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi.
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng cũng được hỗ trợ khiNgân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản yêu cầu các TCTD tiếp tục chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vay ngân hàng trên 100 triệu có thể phải cấp thông tin người liên quan 16/03/2024 - 07:34
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng;Đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng;...
Hiện nay, khi vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần phải có phương án sử dụng vốn khả thi, mà chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Quy định này được cho là sẽ "mở cửa" cho vay tiêu dùng phát triển.
Ngoài ra, lãi suất cho vay thấp cũng tạo lực hấp dẫn kích thích nhu cầu vay. Theo số liệu cập nhật của NHNN, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến nay tiếp tục giảm 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại các công ty tài chính cũng có xu hướng giảm nhẹ, đơn cử như lãi suất cho vay tại EVN Finance hồi tháng 6/2024 được niêm yết ở mức 11,97%, tuy nhiên đến tháng 11, lãi suất giảm xuống còn 10,44%.
Triển vọng sáng cho tín dụng tiêu dùng
Theo số liệu từ NHNN, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Số liệu của NHNN cho thấy hiện dư nợ cho vay tiêu dùng trên cả nước vào khoảng 2,9 - 3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này cao gấp 3 lần. Trước đó, theo thông tin từ Vụ Tín dụng NHNN, tính đến cuối tháng 6, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, cải thiện khoảng 4% so với cuối năm ngoái.
Các chuyên gia FiinRatings cho rằng dư nợ tiêu dùng và cho vay dưới chuẩn trên tổng dư nợ của hệ thống tài chính Việt Nam còn rất thấp (hơn 20% so với 70% ở các nước phát triển). Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng tín dụng và dịch chuyển cơ cấu dư nợ sang tiêu dùng còn rất lớn