Chứng khoán

Cổ đông Nhà nước sẽ thoái vốn FPT, Nhựa Tiền Phong (NTP) và nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.

Trong danh sách có 8 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán gồm CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), CTCP FPT (FPT), Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), CTCP Xây dựng Vật liệu Bến Tre (VXB)CTCP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (CID).

photo-1716075991792

Danh sách thoái vốn đợt 2/2024 của SCIC

Thương vụ đáng chú ý nhất trong đợt này là việc SCIC dự kiến thoái toàn bộ 5,8% vốn tại CTCP FPT, giá trị tương ứng khoảng 635 tỷ đồng. Đây là thương vụ có giá trị dự kiến lớn nhất trong danh sách thoái vốn của SCIC đợt 2/2024. Nếu thực hiện thành công, SCIC sẽ không còn là cổ đông của FPT.

Ngoài FPT, các thương vụ thoái vốn có giá trị lớn của SCIC trong đợt này có thể kể đến NTP (tỷ lệ 37,1%) với 480 tỷ đồng, VGV (tỷ lệ 87,3%) với 312 tỷ đồng, CTCP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (tỷ lệ 97,4%) với 231 tỷ đồng, CTCP Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên (tỷ lệ 98,8%) với 139 tỷ đồng,…

Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024, SCIC sẽ thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệptrên sàn chứng khoán như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), CTCP Sách Việt Nam - Savina (VNB), Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), CTCP Nhựa Việt Nam (VNP), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC), … Trong đó, SCIC đã bán vốn thành công VNC và CTCP Phim truyện 1.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCIC, tổng công ty đạt doanh thu 7.143 tỷ đồng, giảm 30,1% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp này giảm 92% còn 116 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia giảm 29,5% còn 5.383 tỷ đồng;

Trong năm 2023, SCIC đã được hoàn nhập 816 tỷ đồng khoản tiền trích lập giảm giá đầu tư, qua đó chi phí hoạt động đầu tư kinh doanh vốn được hoàn nhập 489,2 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm mạnh về còn 1.728 tỷ đồng, SCIC lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 33.343 tỷ đồng, tăng 10,4%. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn của tổng công ty tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 30.450 tỷ đồng, khoản đầu tư vào cổ phiếu giảm hơn 1.000 tỷ còn 2.945 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 6,3% lên 28.023 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty con hơn 17.449 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm