Tài chính

Cổ đông ngân hàng mong chờ gì trong mùa đại hội năm nay?

Đặt mục tiêu lợi nhuận "khủng", chia cổ tức vẫn là điểm nóng

"Đến hẹn lại lên", mùa đại hội cổ đông ngân hàng đã khởi động với loạt ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh và chia cổ tức trong năm 2022.

Ngân hàng VIB là nhà băng tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sớm nhất toàn ngành với mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Không chỉ VIB, nhiều ngân hàng khác cũng khá lạc quan với triển vọng kinh doanh năm nay với những con số tăng trưởng tín dụng, tài sản và lợi nhuận hai chữ số.

Trong đó, tại các "ông lớn" Big4 con số tăng trưởng 12% - 20% có vẻ như khiêm tốn hơn rất nhiều so với nhưng mức tăng trưởng tại các ngân hàng cổ phần, nơi có những mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch lên tới 88% tại SHB hay 107% tại Eximbank. Tuy nhiên, nếu nhìn về quy mô tuyệt đối về tăng trưởng thì đó đều là những con số "khủng".

Cổ đông ngân hàng mong chờ gì mùa đại hội  - Ảnh 1.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Kinh tế phục hồi, các gói kích thích kinh tế là những cơ sở để ngành ngân hàng lạc quan với hoạt động kinh doanh trong năm 2022 mặc dù rủi ro nợ xấu vẫn còn.

Cùng với đó, lợi nhuận cao trong năm 2021 là yếu tố khiến các cổ đông kỳ vọng vào các đợt chia cổ tức, cổ phiếu thưởng. Theo thông tin được nhiều ngân hàng công bố, mức chia cổ tức năm nay của các nhà băng cũng ở mức tương đối cao và phần lớn là cổ phiếu giấy (bằng cổ phiếu).

Cụ thể, VIB dự kiến phát hành hơn 554 triệu cổ phiếu để chia thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.545 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACB lên kế hoạch phát hành trả cổ tức với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu (phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN). Một số ngân hàng khác cũng tiết lộ mức chia cổ tức cao như OCB (25% - 30%), SHB (dự kiến từ 18%), MSB (30%), BIDV (8,5%), Vietvombank (6,5%),...

Cổ đông ngân hàng mong chờ gì mùa đại hội  - Ảnh 2.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Vấn đề tăng vốn của các ngân hàng cũng chưa hề hết nóng và chia cổ tức bằng cổ phiếu là một trong các hình thức phổ biến để tăng vốn của ngân hàng Việt hiện nay. Với tỷ lệ chia cổ tức cao, vốn điều lệ của các nhà băng cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Thị trường chứng khoán vẫn trong điều kiện thuận lợi khi chỉ số VN-Index duy trì trên ngưỡng 1.400 điểm là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho kế hoạch tăng vốn ngân hàng trong thời gian qua và trong tương lai.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục đưa việc tăng vốn cho các "ông lớn" Big4 vào kế hoạch hành động năm 2022 của toàn ngành.

Kỳ vọng đón thêm cổ đông ngoại

Mở đường đón cổ đông chiến lược ngoại cũng là một trong những chủ đề nóng được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong mùa đại hội năm nay. 

Một trong những thương vụ được thị trường mong chờ là kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài của VPBank khi ngân hàng chính thức điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán SMBC sẽ là đối tác tiềm năng sau khi ngân hàng Nhật Bản đã mua lại 49% vốn FE Credit. Diễn biến mới nhất gần đây, cả SMBC và Eximbank đều đã phát đi thông cáo về việc chấm dứt thoả thuận hợp tác chiến lược sau 14 năm, tuy nhiên các bước thoái vốn cụ thể tiếp theo chưa được tiết lộ.

Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022 và vẫn để ngỏ thông tin về đối tác.

Một ngân hàng tư nhân khác là SHB gần đây cũng thực hiện điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của từ 10% lên mức tối đa là 30%. Trước đó, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, việc số ít ngân hàng tư nhân có thể nới trần sở hữu nước ngoài tối đa lên 49% theo hiệp định EVFTA cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý trong năm nay.

Theo đó, hai cái tên được nhắc đến là HDBank và Sacombank. Một báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết HDBank đang là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA.

Trong khi Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank. Các chuyên gia cho rằng việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho giá cao nhất cho VAMC, và bởi vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng FOL 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.

  • MB, Sacombank, VPBank,... loạt ngân hàng mà Dragon Capital trở thành cổ đông lớn có triển vọng và tiềm năng ra sao?

    MB, Sacombank, VPBank,... loạt ngân hàng mà Dragon Capital trở thành cổ đông lớn có triển vọng và tiềm năng ra sao?

Trong năm 2022, Sacombank đang có kế hoạch mua lại phần vốn với tỷ lệ 32,5% do VAMC đang quản lý sau khi tiến hành tất toán khoản trái phiếu của VAMC, theo Chứng khoán MB (MBS)

Cũng theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng này, phần vốn này sẽ được bán đấu giá với mức giá tối thiểu 33.000 - 34.000 cổ phiếu để có thể có đủ nguồn lực tất toán lãi và lãi phạt liên quan đến khoản trái phiếu này.

Mới đây, Quỹ ngoại Dragon Capital đã thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%, trở lại ghế cổ đông lớn sau gần 11 năm vắng bóng. Trước đó, quỹ đầu tư đã bán toàn bộ 61 triệu cổ phiếu, tương đương 6,66% vốn điều lệ ngân hàng vào tháng 8/2011.

Nhiều biến động nhân sự cấp cao 

Cổ đông ngân hàng mong chờ gì mùa đại hội  - Ảnh 3.

Trong mùa đại hội năm nay nhiều sếp lớn ngân hàng phải lựa chọn việc "đi hay ở". (Ảnh minh hoạ: Alex Chu).

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, các chuyển giao quan trọng về mặt cổ đông, việc thay đổi nhân sự cao cấp dự báo sẽ làm nóng hội trường của các nhà băng trong năm 2022.

Trong kỳ đại hội này, nhiều sếp ngân hàng sẽ phải lựa chọn vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng hay doanh nghiệp.

Theo đó, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi trong cuộc họp đại hội cổ đông vào tháng 4 tới đây.

Tương tự với HDBank, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, bà Lê Thị Băng Tâm nhiều khả năng trong kỳ đại hội lần này sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa HDBank và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Trong khi đó, Sacombank trong cuộc họp tới đây cũng sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2026. Dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Ban Kiểm soát dự kiến số lượng là 4 thành viên.

Những biến động nhân sự cao cấp thường nhộn nhịp hơn hẳn trước thềm Đại hội đồng cổ đông.

Điều này có ảnh hưởng nhất định tới chiến lược, mục tiêu và định hướng của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, giới đầu tư và cổ đông cũng rất quan tâm đến những biến động này, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” cũng phần nào tác động lên giá cổ phiếu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm